TIN LIÊN QUAN | |
Chuyến đi định mệnh tới Iraq | |
Chuyến bay định mệnh |
Những người nổi tiếng và giàu có, thường xuyên lui tới các cửa hiệu sang trọng như Champs Élysées có lẽ đều đã từng gặp người ăn xin Jean-Marie Roughol tại cổng Khải Hoàn Môn, Paris. Một số tỏ vẻ khó chịu, đi vội qua và nhìn về hướng khác. Số khác lại ném cho anh một hai đồng tiền lẻ hay một tờ giấy. Thậm chí, có người còn đề nghị anh làm diễn viên quần chúng cho phim của họ.
Cuộc gặp gỡ kỳ diệu
Không ai biết rằng, cuộc đời Roughol đã thay đổi khi được gặp gỡ một vị cựu bộ trưởng, người đã giúp anh xuất bản cuốn sách kể về cuộc đời đầy cơ cực của mình. Anh nghĩ, nó như một phép màu thần kỳ.
Hiện nay, sách của Roughol đã bán được 50.000 cuốn và xếp thứ ba trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất ở Pháp của trang Amazon. Với số tiền bản quyền kiếm được, Roughol đã mua được một căn hộ, kiếm được việc làm và dành thời gian để viết phần tiếp theo cho cuốn sách của mình.
Jean-Marie Roughol kể về cuộc gặp gỡ với vị cựu bộ trưởng, người đã gợi ý cho anh viết quyển sách về cuộc sống khó khăn của mình, làm cho cuộc đời anh thay đổi. (Nguồn: The Guardian) |
Trong một cuộc phỏng vấn, Roughol cho biết: “Tôi đã có một cơ hội tuyệt vời trong đời. Đối với tôi, đó thật sự là một phép màu, khiến tôi không dám nghĩ đến việc nếu chẳng may mình sẽ phải quay trở lại cuộc sống như trước đây. Tôi sẽ không để những người đã giúp đỡ và tin tưởng mình phải thất vọng lần nào nữa. Tôi đang tìm cho mình một công việc, kể cả đó là công việc rửa chén ở nhà hàng, tôi cũng sẽ làm. Đã đến lúc tôi phải giúp đỡ những người lang thang khác. Ai cũng có một khoảng thời gian suy sụp. Cuộc sống rất khó khăn, vì thế, những người đang tận hưởng hạnh phúc cần giúp đỡ, chia sẻ để không còn những kẻ lang thang, ăn xin trên đường phố”.
Quyển sách về cuộc đời của Roughol trên những con phố của thủ đô nước Pháp “Je tape la manche” (tạm dịch: Tôi là một người ăn xin) đã chỉ ra rằng, chỉ một thay đổi nhỏ nhoi cũng sẽ giúp cuộc sống của những kẻ lang thang trở nên tốt hơn.
Roughol viết: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng có ngày mình sẽ trở thành một kẻ ăn xin ở Paris, xin ăn để sống và để tồn tại. Tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ phải nằm ngủ ngoài đường, trên cầu thang, hay trên tàu điện ngầm… Dĩ nhiên, tôi phải chịu trách nhiệm với những gì đã xảy ra, nhưng cuộc sống ăn xin của tôi cũng không hề tốt đẹp”.
Tuổi thơ bất hạnh
Sinh năm 1968, lúc còn rất nhỏ, Roughol đã bị cha mẹ bỏ rơi khi gửi anh cho một cặp vợ chồng ở một vùng nông thôn chăm sóc. Anh miêu tả cảm giác của mình khi đang trên tàu rời xa gia đình: “Tôi đã rất vui và tin rằng mình sẽ được nhìn thấy những con voi. Cứ thế, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ để tìm chúng”.
Bất hạnh thay, mẹ nuôi của anh lại là một người độc ác và tàn bạo. Bà chỉ cho anh ăn bánh mì ôi và nước, rồi giam anh vào một căn hầm tối om. Roughol kể: “Họ được trả tiền để nuôi những đứa trẻ như tôi. Đối với họ, tôi chính là một nguồn thu nhập”.
Sau này, khi được cha đưa trở về Paris, tuổi thơ của Roughol cũng không mấy suôn sẻ. Anh bỏ học và nhiều lần bỏ nhà đi. Năm 20 tuổi, do phạm một tội nhẹ, anh bị bắt phục vụ trong quân đội trong một thời gian ngắn. Nhưng những kinh nghiệm sống, những khó khăn trong quân đội đã giúp anh đương đầu với cuộc sống khắc nghiệt bên ngoài. Có những đêm anh phải ngủ trong đường hầm tàu điện ngầm cùng với “những con chuột to bằng con mèo” và phải luôn canh chừng đồ đạc cá nhân.
Lời đề nghị quyết định số phận
Cuộc sống của Roughol đã thay đổi sau khi anh đề nghị sửa xe đạp giúp ngài Jean-Louis Debré, một cựu bộ trưởng 72 tuổi, ở đại lộ Champs Élysées. Sau cuộc trò chuyện, Debré đã trở thành một người bạn và khuyến khích anh viết lại những trải nghiệm trong cuộc đời mình.
Jean-Marie Roughol (trái) và ân nhân của mình - cựu Bộ trưởng Jean-Louis Debré. (Nguồn: The Guardian) |
Lúc đầu, Roughol đã lo ngại rằng mình không thể viết đúng được chính tả hay ngữ pháp với vốn kiến thức nghèo nàn, nhưng ông Debré đã luôn động viên và giúp anh chỉnh sửa. Ngồi giữa những người ăn xin trong công viên, Roughol viết lại những dòng hồi tưởng của mình vào những cuốn sổ tay.
Ông Debré giải thích trong phần lời nói đầu của cuốn sách: “Tôi đã nói với anh ấy rằng những việc khác không quan trọng. Tôi chỉ muốn hiểu hơn về cuộc sống của anh ấy, lý do vì sao anh trở thành một người ăn xin. Vì sao chỉ có những người nổi tiếng, những chính trị gia, các ngôi sao truyền hình, phát thanh, điện ảnh mới được phép viết về quá khứ, cuộc đời của họ? Chẳng lẽ những người vô danh thì không có gì thú vị để viết hay sao? Anh ấy (Roughol) thật sự đã dạy cho tôi nhiều điều hơn là những gì tôi đã giúp anh ấy.”
Năm 2015, chỉ sau khi quyển sách được xuất bản một vài tháng, Roughol đã nhận được năm đó, phiên bản bìa mềm của quyển sách cũng được ra đời.
Cho đến nay, Roughol xem Debré như một vị cứu tinh trong cuộc đời mình. Anh nói: “Hai năm trước, tôi không thể nào hình dung được sẽ có ngày cuộc đời mình thay đổi như lúc này. Jean-Louis như người cha thực sự của tôi. Ông ấy vẫn thường gọi cho tôi và chưa bao giờ bỏ rơi tôi. Ông ấy nói, tôi đã có thể tự đi trên chính đôi chân của mình, mọi chuyện tiếp theo sẽ phụ thuộc vào nỗ lực của chính bản thân tôi. Ông đã đúng”.
Bush “con” viết sách về cha Sau các triển lãm tranh, ông George W. Bush đang hoàn tất cuốn tiểu sử về cựu Tổng thống George H.W. Bush. Mới đây, trên ... |
Mười lăm năm xuôi ngược… Ông bất ngờ ngã bệnh vào năm 1998 nhưng vẫn đau đáu lo toan viết sách. Mười lăm năm chăm sóc ông, bà Trần Thị ... |
Nhà ngoại giao viết sách Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bắt đầu từ mùa Thu 2008 là một cột mốc quan trọng của lịch sử Quan hệ quốc ... |