Đà phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ bị đình trệ khi dân số trở nên già hóa. (Nguồn: AFP) |
Theo mạng Bình luận Trung Quốc số ra ngày 26/2, có hai lý do chính khiến cho “nền kinh tế bạc” của đất nước triển mạnh, không chỉ trong giai đoạn hiện nay, mà còn cả trong một vài thập niên tới.
Thứ nhất là nhu cầu và tiềm năng to lớn của thị trường. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc hiện có số người cao tuổi lớn nhất thế giới, với hơn 280 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 21,1% dân số. Hơn nữa, tỷ lệ sinh của đất nước đã giảm mạnh, làm giảm tổng dân số xuống còn 1,412 tỷ người vào năm ngoái.
Không những vậy, theo nhiều kết quả phân tích khác nhau, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học kéo dài có thể sẽ khiến dân số tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày càng già hóa và tăng lên tới hơn 500 triệu người vào năm 2050.
Đây sẽ là thị trường lớn và giàu tiềm năng cho “nền kinh tế bạc” của Trung Quốc cả trong hiện tại và tương lai.
Thứ hai, những người cao tuổi có nhu cầu và năng lực tiêu dùng riêng biệt. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự phổ cập của xu hướng ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, những người cao tuổi tại Trung Quốc cũng dần thay đổi quan niệm tiêu dùng, từ việc “thắt chặt túi tiền” chuyển sang “mở hầu bao” để tận hưởng sự vui vẻ, hài lòng và thoải mái trong cuộc sống.
Theo đó, tổng mức tiêu dùng của nhóm những người cao tuổi tại đất nước được dự báo sẽ tăng từ 4.300 tỷ Nhân dân tệ (NDT) của năm 2020 lên khoảng 40.600 tỷ NDT vào năm 2050.
Trong bối cảnh đó, dự báo quy mô của “nền kinh tế bạc” Trung Quốc có thể sẽ tăng trưởng từ 7.000 tỷ NDT hiện nay lên khoảng 30.000 tỷ NDT và chiếm khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này vào năm 2035.
Theo Giáo sư Lưu Phàm thuộc Trường Đại học Vũ Hán (Trung Quốc), việc phát triển ngành “kinh tế bạc” có ý nghĩa rất to lớn, đồng thời thường xuyên được đề cập trong các văn kiện chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc.
Ông dẫn chứng, vào tháng 11/2021, chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường công tác người cao tuổi trong thời đại mới”, trong đó yêu cầu cần chú trọng bồi dưỡng, định hướng và dẫn dắt “nền kinh tế bạc”.
Đến tháng 2/2022, Bắc Kinh tiếp tục ban hành “Quy hoạch phát triển hệ thống dưỡng lão và sự nghiệp người cao tuổi”, đồng thời nhấn mạnh cần tập trung phát triển “nền kinh tế bạc”.
Mới đây nhất, ngày 15/1, chính phủ Trung Quốc tiếp tục ban hành “Ý kiến về việc phát triển ‘nền kinh tế bạc’” để tăng cường phúc lợi cho người cao tuổi, trong đó chỉ ra 26 nội dung cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến trình quy mô hóa, tiêu chuẩn hóa, quần chúng hóa và thương hiệu hóa ngành kinh tế này.
Điều này cho thấy “nền kinh tế bạc”- một lĩnh vực kinh tế mới nổi tại Trung Quốc - tập trung vào việc cung ứng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của những người cao tuổi hiện đã đi từ “không” đến “có” và đang tiếp tục được tập trung thúc đẩy để phát triển ngày càng ưu việt hơn.