Đại sứ quán Mỹ tại Haiti. (Nguồn: Quân đội Mỹ) |
Ngày 16/10, hàng nghìn người dân Haiti đã tập trung trước Đại sứ quán Mỹ theo lời kêu gọi của lãnh đạo đảng Pitit Dessalines, cựu thượng nghị sĩ Moise Jean Charles, để phản đối yêu cầu của chính phủ nước này triển khai quân đội nước ngoài ở Haiti. Chính trị gia này cáo buộc Thủ tướng Haiti Ariel Henry “phản quốc” và yêu cầu người đứng đầu nội các từ chức. Ông Jean Charles khẳng định nước này “không phải là sân sau của Mỹ” và “việc triển khai một lực lượng quân sự nước ngoài tại Haiti theo yêu cầu của Chính phủ Ariel Henry là để bảo vệ lợi ích của tư bản và thực dân”.
Trước đó, ngày 7/10, Chính phủ Haiti đã bật đèn xanh để Thủ tướng Ariel Henry yêu cầu "triển khai ngay lập tức" một lực lượng đặc nhiệm có khả năng ngăn chặn các băng đảng tội phạm.Theo một nghị quyết được công bố cùng ngày trên tờ báo chính thức Le Monitor (Haiti), Chính phủ Haiti cho phép nước ngoài can thiệp quân sự trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo “lớn”, đặc biệt là sau khi dịch tả đột ngột bùng phát trở lại và tình hình an ninh ngày càng xấu đi tại đảo quốc Caribe.
Nước này nhấn mạnh việc các băng nhóm vũ trang phong tỏa các cảng dầu gây ra “hậu quả thảm khốc” đối với hoạt động của các bệnh viện, trường học, cũng như việc phân phối nước sạch và thực phẩm. Vì những lý do nói trên, Hội đồng Bộ trưởng Haiti nhận định “tính cấp thiết” cần phải triển khai biện pháp để ngăn nền kinh tế bị bóp nghẹt hoàn toàn và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tổng tuyển cử.
Vài ngày sau, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã yêu cầu gửi ngay các lực lượng quốc tế tới Haiti trong bối cảnh tình hình mất an ninh ngày càng tồi tệ và để hỗ trợ quốc gia Caribe đối mặt với “các vấn đề nhân đạo to lớn”. Nhiều tổ chức và cá nhân đã lên tiếng chỉ trích Chính phủ của ông Ariel Henry, lập luận rằng chủ quyền quốc gia đang bị đe dọa.
Ông Jean Charles, cho rẳng thủ tướng tạm quyền và tất cả các bộ trưởng trong nội các Haiti không có thẩm quyền để ra quyết định nói trên, do đó nghị quyết được đề cập là vô hiệu và không liên quan đến người dân Haiti. Trong khi đó, Đảng Tổ chức Nhân dân Đấu tranh phản đối việc để các lực lượng quân sự nước ngoài can thiệp nội bộ, đồng thời tái khẳng định rằng Haiti cần được hỗ trợ trực tiếp về trang thiết bị và các vật tư khác để lực lượng cảnh sát nước này có thể thực hiện công việc của mình.