📞

Người đứng đầu NATO nói Kiev có thể tự do sử dụng máy bay tiêm kích F-16 tấn công các mục tiêu của Nga 'bên ngoài Ukraine'

Xuân Nhi 14:24 | 24/02/2024
Theo Reuters, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg viện dẫn quyền tự vệ của Ukraine kể cả trước các cuộc tấn công ngoài lãnh thổ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận việc sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga từ lâu đã là điểm gây tranh cãi giữa các đồng minh của Ukraine. (Nguồn: Getty Images)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sau khi Ukraine nhận được máy bay tiêm kích F-16, nước này sẽ được tự do sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.

Bình luận của ông Stoltenberg được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn của Radio Free Europe.

Ukraine có quyền tấn công “các mục tiêu quân sự của Nga bên ngoài Ukraine” phù hợp với luật pháp quốc tế, Đây là lần đầu tiên Tổng thư ký NATO tuyên bố điều này kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Jens Stoltenberg, hồi đầu tuần, thừa nhận rằng việc sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga từ lâu đã là điểm gây tranh cãi giữa các đồng minh của Kiev, do lo ngại xung đột leo thang.

Theo đó, người đứng đầu NATO lập luận rằng Ukraine có quyền tự vệ trước “hành vi gây hấn” của Nga, bao gồm cả việc “tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp của Nga bên ngoài Ukraine”. Ông Stoltenberg không nêu rõ khi nào chính quyền Kiev thực sự có thể nhận được các tiêm kích như đã hứa. Mỗi thành viên NATO cam kết chuyển giao F-16 đều có những chính sách khác nhau và sẽ tự quyết định.

Theo ông Stoltenberg, mặc dù những nước ủng hộ Ukraine trong NATO muốn các máy bay tiêm kích hoạt động càng sớm càng tốt, chúng sẽ có tác động mạnh mẽ hơn nếu các phi công được đào tạo bài bản và có đủ đội ngũ bảo trì và sẵn sàng hỗ trợ.

Ông nhấn mạnh: “Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta phải lắng nghe các chuyên gia quân sự một cách chính xác khi nào chúng ta sẵn sàng hoặc khi nào các đồng minh sẵn sàng chuyển giao F-16... Càng sớm càng tốt".

Ukraine từ lâu đã yêu cầu F-16 như một cách để đối phó với ưu thế trên không của Nga. Đan Mạch và Hà Lan đều cam kết chuyển giao một số máy bay, trong khi Tổng thống Ukraine Zelensky tiết lộ tổng số máy bay mà hai nước cam kết cho Kiev là 42.

Các phi công Ukraine đầu tiên được đào tạo ở phương Tây đã kết thúc lớp học ở Anh vào tháng 12 năm ngoái. Cách thiết kế máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất khiến loại máy bay này có thể gặp khó khăn khi vận hành từ đường băng của Ukraine, làm dấy lên suy đoán rằng chúng có thể sẽ bay từ Ba Lan, Romania hoặc các nước vùng Baltic.

Nga đã nhiều lần cảnh báo việc triển khai F-16 sẽ làm leo thang xung đột và thậm chí có thể gây ra nguy cơ chiến tranh hạt nhân vì F-16 có khả năng mang bom trọng lực B61. Ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Liên bang Nga, cho hay: “Vậy, nếu một trong những chiếc máy bay đó cất cánh từ một quốc gia NATO – đó sẽ là gì? Một cuộc tấn công vào Nga. Tôi sẽ không mô tả điều gì có thể xảy ra tiếp theo”.