Ông Josep Borrell, quan chức cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU tới thủ đô Kiev của Ukraine, ngày 9/11. (Nguồn: the Kyiv Independent) |
Trên mạng xã hội X, ông Borrell viết: "Đây là chuyến thăm Kiev lần thứ 5 của tôi... Hỗ trợ Ukraine luôn là ưu tiên cá nhân trong nhiệm kỳ của tôi và sẽ tiếp tục là một trong những chủ đề nghị sự hàng đầu của EU".
Về phía Moscow, các quan chức Nga nhiều lần cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cản trở tiến trình giải quyết xung đột và trực tiếp lôi kéo các nước NATO vào cuộc chiến này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng tuyên bố, Mỹ và NATO đang trực tiếp tham gia cuộc xung đột này không chỉ với việc viện trợ vũ khí mà còn huấn luyện binh sĩ Ukraine tại các nước châu Âu.
Liên quan đến quan hệ EU-Ukraine, ngày 7-8/11, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã có mặt tại Budapest, Hungary, để dự Hội nghị thượng đỉnh không chính thức do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tổ chức.
Cuộc họp diễn ra chỉ một ngày sau chiến thắng của ông Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết", trong cuộc bầu cử ở cường quốc số một thế giới này.
Theo hãng tin AP, trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã đe dọa mọi thứ, từ chiến tranh thương mại với châu Âu, rút khỏi các cam kết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho đến sự thay đổi cơ bản trong việc ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga.
Tất cả các vấn đề này đều có thể gây ra hậu quả có chưa từng thấy cho các quốc gia trên khắp châu Âu, đặc biệt là EU với 27 quốc gia.
Chuyến thăm của Borrell diễn ra trong bối cảnh cuộc tái đắc cử của ông Trump đang gây lo ngại ở Ukraine và khắp châu Âu về những thay đổi tiềm tàng đối với chính sách của Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử của mình, tổng thống đắc cử Donald Trump đã đặt câu hỏi về việc tiếp tục viện trợ quân sự và tài chính của Mỹ cho Ukraine và thậm chí còn gợi ý rằng ông có thể đàm phán để chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột.
Ông Borrell thừa nhận rằng lập trường của ông Trump đã gây ra sự không chắc chắn, nhưng ông cũng chỉ ra rằng tổng thống hiện tại Joe Biden vẫn còn hai tháng tại nhiệm, trong thời gian đó có thể đưa ra các quyết định hỗ trợ tiếp theo.
Theo dữ liệu từ Viện Kiel, EU đã cùng nhau đóng góp khoảng 125 tỷ USD cho nhu cầu quốc phòng và nhân đạo của Ukraine kể từ cuộc xung đột nổ ra năm 2022, trong khi Mỹ đã cung cấp hơn 90 tỷ USD.