📞

“Người hùng” hết thời của NASA

13:56 | 28/09/2011
Chiều thứ Sáu tuần trước (24/9), nếu có ai tình cờ nhìn thấy một quả cầu lửa trên bầu trời đang lao về hướng Trái Đất thì đó có thể là hình ảnh cuối cùng của chiếc vệ tinh nghiên cứu vùng thượng khí quyển (UARS) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA).

Được phóng vào vũ trụ từ tàu con thoi Discovery ngày 15/9/1991, UARS có nhiệm vụ nghiên cứu và đo đạc các loại hóa chất, sức gió và nhiệt độ trong tầng thượng khí quyển. Thành tích lớn nhất của UARS có lẽ là việc mang về các dữ liệu khẳng định lý thuyết của các nhà khoa học về lỗ hổng trên tầng ozone bằng các bản đồ ba chiều của lỗ hổng gần Nam Cực khi lỗ hổng này đang lớn dần. Những dữ liệu được đưa ra chỉ ngay trong hai tuần hoạt động đầu tiên cũng chứng minh được rằng chính khí clo trong bầu khí quyển - kết quả những hoạt động của con người - là nguyên nhân chủ yếu gây ra các lỗ hổng này. Tuy nhiên, vệ tinh có giá 780 triệu USD này sau hơn 78.000 lần quay quanh Trái Đất đã phải dừng hoạt động hôm 14/12/2005 do cạn nhiên liệu.

UARS được xem là vệ tinh lớn nhất của NASA rơi xuống trái đất trong vòng 30 năm qua. Tuy có trọng lượng và kích thước khá lớn (bằng một chiếc xe buýt), nhưng theo các chuyên gia, khi rơi, vệ tinh bốc cháy và vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, trong đó mảnh lớn nhất có thể sót lại và không bốc cháy nặng khoảng 1kg. Trước đó, theo đánh giá của các chuyên gia tại NASA thì xác suất để các mảnh vỡ này gây ra tai nạn cho con người chỉ ở mức 0,03%. Theo họ, hàng ngày, "có nhiều mảnh vỡ kích thước khác nhau đã đi vào bầu khí quyển. Nhưng trong hơn 50 năm lịch sử ngành không gian, chưa có mảnh vỡ nào gây ra thương tích cho con người".

Dù nhận được sự chú ý của đông đảo dư luận, nhưng vụ rơi vệ tinh UARS lần này không "đình đám" bằng vụ trạm vũ trụ Skylab của NASA nặng 90 tấn rơi xuống phía Tây Australia hồi tháng 7/1979. Mặc dù không ai bị thương, nhưng các chính quyền địa phương cũng đã phạt NASA 400 USD vì tội "xả rác bừa bãi". Với kích thước lớn bằng cả tòa nhà, vụ rơi Skylab đã tạo ra một làn sóng phản ứng trong dư luận với việc xuất hiện trong một chương trình trực tiếp tối thứ bảy của truyền hình và việc mọi người đổ xô đi mua mũ bảo hiểm để phòng mảnh vỡ của Skylab.

Lần này, ngoài một lời rao bán ô chống vệ tinh rơi với giá 145 USD trên Twitter thì không có sự kiện ăn theo nào đáng chú ý. Các trang web cũng chỉ theo dõi đưa tin về tiến trình rơi của vệ tinh. Tờ Space.com còn liệt kê danh sách các vụ thải rác vào không đáng chú ý nhất, trong đó có vụ nổ tàu con thoi vũ trụ Columbia tại Texas và Louisiana năm 2003, và vụ một mảnh vỡ của tên lửa Delta 2 rơi vào người Lottie Williams, một phụ nữ Okalahoma, năm 1997 - người duy nhất từng bị rác vũ trụ rơi trúng. Dù khả năng vệ tinh rơi gây thương vong là rất nhỏ, nhưng có người đã nói đùa: "Cơ hội bị mảnh vỡ rơi vào người còn nhiều hơn cơ hội trúng xổ số!".

Nhiều người chỉ trích NASA công bố thời điểm rơi của vệ tinh là chậm và không chính xác. Nhưng thực tế việc này rất khó, do bầu khí quyển trái đất phình to hay thu nhỏ phụ thuộc vào sức nóng của áng sáng mặt trời vào từng ngày cụ thể, và hiện tượng đó ảnh hưởng đến tốc độ rơi của vệ tinh. Chỉ dự đoán sai nửa giờ, vệ tinh cũng đã bay được 1/3 vòng trái đất!

Mai Anh