Đồng đội chia vui cùng Honda sau chiến thắng trước Cameroon |
Những điểm giống nhau giữa hai cầu thủ này thật đáng ngạc nhiên. Họ không chỉ có vẻ ngoài nhang nhác, với mái tóc nhuộm vàng, đôi mắt một mí, gương mặt Nhật Bản điển hình, mà trên sân cỏ, lối chơi của họ cũng hoàn toàn tương tự: tốc độ, sự khéo léo, những quả sút phạt thần sầu và mẫn cảm trong các tình huống cố định.
Về mặt sự nghiệp, cả Honda lẫn Nakata đều bắt đầu chơi bóng ở châu Âu vào năm 21 tuổi, Nakata cho đội Serie A Perugia, còn Nakata khoác áo VVV Venlo ở giải vô địch Hà Lan Erepisie.
Lúc này đây, còn quá sớm để khẳng định rằng Honda, sẽ bước sang tuổi 24 vào ngày 13/6, là Nakata tiếp theo, nhưng chắc chắn anh là một trong những ứng cử viên hàng đầu.
Nakata treo giày sự nghiệp 4 năm trước sau một sự nghiệp bao gồm hai danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á (1997 và 1998), ba lần góp mặt ở World Cup (1998, 2002 và 2006) và hai kỳ Olympic (1996 và 2000). Anh cũng từng giành scudetto với AS Roma năm 2001 và vào tháng 3/2004, huyền thoại người Brazil Pele đã đưa anh vào danh sách 100 cầu thủ hàng đầu năm 2004.
Năm 2005, Nakata được trao huy chương Ngôi sao cho hiệp sĩ vì tình đoàn kết với Italia, một trong những vinh dự cao nhất cho người nước ngoài ở Italia, vì đã giúp quảng bá hình ảnh nước Ý với toàn thế giới. Sự nghiệp 10 năm của anh bao gồm 7 mùa giải ở Serie A và một mùa tại Premier League cùng Bolton. Nakata cũng là tuyển thủ Nhật Bản trong giai đoạn 1997-2006, đá 77 trận và ghi 11 bàn.
Liệu Honda có thể sánh được với Nakata hay không là chuyện của tương lai, nhưng rõ ràng với những gì đã thể hiện trong trận ra mắt của Nhật Bản gặp Cameroon ở World Cup lần này, triển vọng cho tiền vệ trẻ của Venlo ở châu Âu là rất sáng sủa. Anh từng giúp đội bóng Nga CSKA Moskva vào tới tứ kết Champions League mùa giải 2009-2010, trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên tiến xa đến như thế và ghi bàn trong một trận tứ kết ở Champions League.
Sinh ở Osaka, Honda cao 1,82m, có thể chơi cả ở vị trí hậu vệ trái lẫn tiền đạo và trong thời gian ở Venlo (2007-2010), anh đã ghi 26 bàn sau 71 trận. Tại Hà Lan, anh rất được các CĐV yêu mến và đặt cho biệt danh đầy vinh dự Kaiser Keisuke (Hoàng đế Keisuke).
Không có gì ngạc nhiên, Honda trưởng thành từ một gia đình thể thao nhà nòi. Một người chú của anh, Daizaburo Honda, là VĐV môn canoe của tuyển Nhật Bản tại Olympic Tokyo 1964. Con trai của Daizaburo và em họ của Keisuke, Tamon Honda, từng tham gia ba kỳ Olympic (1984-1992) ở nội dung vật tự do.
Điều nổi bật nhất ở Honda có lẽ là việc anh luôn nói thẳng những gì mình suy nghĩ. Trước World Cup, tiền vệ trẻ này khẳng định anh sẽ không ngần ngại đảo lộn trật tự về thâm niên phục vụ ở đội tuyển và thứ bậc tuổi tác nếu điều đó giúp Nhật Bản tiến xa hơn. Honda muốn ám chỉ chuyện thực hiện các quả đá phạt, thường là đặc quyền của những cầu thủ đàn anh, như Shunsuke Nakamura hay Yasuhito Endo, người đang giữ danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á.
“Còn tùy thuộc vào vị trí đá phạt. Nhưng tôi cảm thấy tự tin và muốn thực hiện, tôi sẽ đòi hỏi họ cho phép tôi đá”, Honda nói. Điều này đã gây ra đôi chút rắc rối trong đội tuyển, khi một số người cho rằng cái tôi của Honda lớn quá nhanh.
Tuy nhiên, thái độ thẳng thắn cũng giúp anh có được thêm những người hâm mộ mới, từ chính các đồng đội và giới phóng viên. Chính đội trưởng Makoto Hasebe là người đầu tiên lên tiếng bảo vệ Honda. “Cậu ấy có thể giữ bóng ở phía trên và rất khỏe. Nếu cậu ấy giữ bóng, chúng tôi có thể tấn công từ hàng tiền vệ”, Hasebe nói.
Một trong những nhà báo lớn tuổi và được trọng vọng nhất làng báo thể thao Nhật Bản, Hiroshi Kagawa, hiện 85 tuổi, không hề nghi ngờ khả năng và sức mạnh của Honda. “Cậu ấy là cầu thủ chủ chốt. Với Honda, chúng tôi có thể chơi bóng với nhịp điệu như ý”, Kagawa, từng trải qua 9 kỳ World Cup với tư cách phóng viên.Theo Thể thao & Văn hóa