📞

Người kết nối và tinh thần phụng sự

An Sinh 08:15 | 11/02/2024
Trao đổi với đoàn viên, thanh niên Bộ Ngoại giao đầu năm 2023, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh tinh thần “phụng sự”. Hơn lúc nào hết, vào thời điểm này, trong bối cảnh thế giới và trong nước đều đứng trước những thay đổi mang tính bước ngoặt, Bộ Ngoại giao càng cần nêu cao tinh thần phụng sự nhân dân, địa phương, doanh nghiệp và ý thức đạo đức công vụ, bởi đây là nền tảng phát triển bền vững của ngành.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm các gian hàng của địa phương và doanh nghiệp tại Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 21, tháng 12/2023. (Ảnh: Tuấn Anh)

Mang tinh thần “chí công vô tư, đặt lợi ích phụng sự quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, từ đó phục vụ người dân và doanh nghiệp”, những cán bộ ngoại giao từ trẻ đến “không còn trẻ” đều nỗ lực đổi mới trong tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Người đồng hành tin cậy

Độ phủ sóng của Bộ Ngoại giao tại nhiều địa phương ngày càng được tăng cường đáng kể. Bên cạnh các lĩnh vực công tác truyền thống, Bộ Ngoại giao mạnh dạn mở ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác, hướng đi mới có hiệu quả cao, mang lại kết quả thiết thực cho địa phương, doanh nghiệp; tìm ra các sản phẩm mới để kết nối quốc tế hiệu quả hơn, thúc đẩy quan hệ hợp tác sau các sự kiện, phiên tiếp xúc.

Tuy nhiên, như Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chia sẻ tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 vừa qua, “còn rất nhiều trăn trở, thảo luận, suy nghĩ, ý kiến đề xuất về các biện pháp, cách thức để làm mới, thay đổi nhận thức, tư duy, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả của công tác đối ngoại địa phương...”

Với những nỗ lực hết mình vì nhân dân và doanh nghiệp phục vụ, những “chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao” có thể tự hào khi vai trò đồng hành của Bộ Ngoại giao trong công tác đối ngoại trên các lĩnh vực, đặc biệt là ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển được nhiều tỉnh, thành ghi nhận và đánh giá cao.

Với sự phối hợp của Bộ Ngoại giao, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn có sự tham dự và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, thu hút đông đảo đại diện các cơ quan đại diện ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức và đối tác nước ngoài tại Việt Nam.

Trong đó, phải kể đến chuỗi sự kiện “Gặp gỡ…” đã trở thành thương hiệu “hot” được các địa phương nhiệt tình hưởng ứng và mong muốn phối hợp tổ chức. Trong khuôn khổ các sự kiện, đã có hàng nghìn cuộc kết nối giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp và đối tác quốc tế.

Bên cạnh các đối tác truyền thống, đối tác lâu năm, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác, khai thác thị trường mới như các nước Trung Đông, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…

Không ngừng đổi mới, sáng tạo về phương thức, nội dung, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đối ngoại địa phương. Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục đồng hành hỗ trợ các địa phương trong cung cấp thông tin, tư vấn chính sách triển khai công tác đối ngoại, thiết lập, tận dụng hiệu quả quan hệ kinh tế, quan hệ kết nghĩa với địa phương các nước; tiếp tục đồng hành trong các hoạt động quảng bá, kết nối, xúc tiến các sự kiện văn hoá, giao lưu nhân dân với những cách làm đổi mới hơn, bám sát nhu cầu, tiềm năng của các địa phương và khai thác tốt hơn lợi thế của mỗi vùng, miền.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh Thái Phúc Sơn chia sẻ, “các địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ tích cực của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã định hướng, tham mưu, tư vấn, phối hợp với địa phương triển khai các hoạt động, góp phần kiến tạo cơ hội thúc đẩy các động lực tăng trưởng, hỗ trợ chúng tôi trong công tác hội nhập quốc tế”.

Tìm “đơn đặt hàng”

Trước Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21, Bộ Ngoại giao đề nghị các địa phương có những “đặt hàng” cụ thể, đề xuất, kiến nghị cho Bộ Ngoại giao. Theo thống kê, trong dịp này đã có 267 đề xuất, kiến nghị của các địa phương gửi đến Bộ.

Lấy chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương”, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 “nhắm trúng” nhu cầu của các địa phương khi tập trung vào việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức các hoạt động kết nối với đối tác quốc tế.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh Thái Phúc Sơn đánh giá: “Nét mới của hội nghị là cách thức tổ chức có nhiều sáng tạo, đặc biệt các phiên thảo luận với chủ đề đa dạng trên nhiều góc độ và những vấn đề hết sức có ý nghĩa, thiết thực trong giai đoạn hiện nay đối với địa phương.

Trong các phiên thảo luận có sự tương tác, trao đổi thẳng thắn trên nhiều khía cạnh, vừa có tính lý luận và thực tiễn về công tác đối ngoại từ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước; rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, nhận diện những thời cơ, thách thức trong thời gian tới. Từ đó, đề xuất các phương hướng, biện pháp thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ đối ngoại và ngoại giao của địa phương, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về đường lối đối ngoại.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Thừa Thiên Huế Trần Công Phú “ấn tượng về vai trò chủ động và tích cực của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Không chỉ dẫn dắt, kết nối, sau những chuyến công tác, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên nhắc nhở, lưu ý địa phương phải theo đuổi để cụ thể hoá những cam kết đã ký kết. Thừa Thiên Huế mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong những hoạt động ý nghĩa như vậy”.

Cùng với “đơn đặt hàng” ngày càng cụ thể, các địa phương ngày càng dành cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao sự tin tưởng. Chẳng hạn, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thừa Thiên Huế Trần Công Phú tranh thủ cơ hội tiếp xúc với các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài ngay tại Hội nghị Ngoại giao 32, bày tỏ nhiều trăn trở về những thách thức trong bối cảnh mới xen lẫn những kỳ vọng.

“Đặt hàng” cụ thể của Thừa Thiên Huế gửi tới các Trưởng Cơ quan đại diện là làm thế nào để tỉnh tận dụng được tiềm năng, thế mạnh nhằm thu hút thêm được các nhà đầu tư quốc tế? Làm sao để “vùng đất cố đô”, nơi đang sở hữu bảy di sản được UNESCO vinh danh có thể hấp dẫn thêm nhiều du khách quốc tế?...

Giám đốc Sở Ngoại vụ Thừa Thiên Huế nhắc lại nhiều lần cụm từ “đặc biệt ấn tượng” khi nói về vai trò “người kết nối” của Bộ Ngoại giao. Từng có cơ hội tham gia nhiều đoàn công tác của Thừa Thiên Huế tại các hoạt động kết nối với các địa phương nước ngoài để quảng bá tiềm năng thế mạnh của tỉnh, ông Phú cho biết, việc Bộ Ngoại giao mỗi năm đều xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, thông báo đến từng địa phương về các hoạt động quảng bá, kết nối thông qua các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều để lại những dấu ấn đối với ông.

“Có thể nói từ nền tảng đó, địa phương đã gặt hái được rất nhiều kết quả quan trọng”, ông Phú đánh giá.

Là đầu mối trực tiếp tiếp nhận nhu cầu từ địa phương, theo Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu, “với tinh thần phụng sự, lấy địa phương làm trung tâm phục vụ, với triết lý đồng hành, hỗ trợ và phục vụ”, Bộ Ngoại giao xem thành công của địa phương là niềm vui và động lực trong công tác. Giai đoạn 2022-2023 có nhiều khởi sắc so với các năm trước đó nhưng chúng tôi - những người làm công tác đối ngoại kỳ vọng vào thành công hơn nữa trong những năm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh nước rút hiện thực hoá các mục tiêu đề ra trong Đại hội Đảng lần thứ XIII”.