📞

Người khổng lồ năng lượng hạt nhân Nga 'đặt tiền' vào siêu dự án uranium ở châu Phi, Rosatom đang toan tính gì?

Minh Anh 18:38 | 20/07/2023
Tập đoàn năng lượng hạt nhân khổng lồ của Nga Rosatom dự kiến đầu tư 500 triệu USD vào một dự án uranium ở Namibia, khai thác trung bình 3.000 tấn mỗi năm, kéo dài trong hơn 25 năm.
'Người khổng lồ' hạt nhân Nga công bố siêu dự án uranium, Rosatom đang toan tính gì ở châu Phi? (Nguồn: aa.com)

Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga Rosatom dự kiến sản xuất khoảng 3.000 tấn uranium vào năm 2029, tạo nhiều việc làm ở Đông Nam châu Phi.

Rosatom vừa công bố kế hoạch bắt đầu khai thác uranium ở Namibia vào năm 2029. "Chúng tôi dự định hoàn thành công việc thăm dò vào năm 2026 và bắt đầu khai thác uranium vào năm 2029 với thời gian khai thác khoảng hơn 25 năm", đại diện Rosatom thông báo với giới truyền thông.

Rosatom sẽ thông qua Headspring Investments - một thực thể trong đó có cấu phần khai thác uranium và đang nắm giữ Uranium One Group, để bắt đầu triển khai quá trình thăm dò ở Namibia - nơi "sở hữu" tới 7% trữ lượng uranium của thế giới.

Công ty thuộc sở hữu Nhà nước Nga cho biết, các kế hoạch của họ ở Namibia sẽ tạo ra rất nhiều việc làm ở khu vực Tây Nam châu Phi, vì họ sẽ trực tiếp sử dụng khoảng 600 người. Các kế hoạch của Rosatom dự kiến cũng sẽ đẩy GDP của đất nước châu Phi này tăng khoảng 1-2% mỗi năm.

Hơn nữa, Đại diện Rosatom thông báo họ sẽ bắt đầu khai thác và chế biến thí điểm nguyên tố quý này ở Tanzania từ năm 2023 đến năm 2025.

Tại Tanzania, Tập đoàn Rosatom đang thực hiện Dự án sông Mkuju với mỏ Nyota - là một trong những mỏ lớn nhất thế giới với trữ lượng tài nguyên là 152 triệu tấn quặng. Giai đoạn sản xuất thí điểm sẽ sản xuất 5 tấn bánh vàng (yellowcake) - một loại bột cô đặc uranium thu được từ các dung dịch lọc, là một bước trung gian trong chế biến quặng urani. Mục tiêu của giai đoạn sản xuất thí điểm là khoảng 3.000 tấn bánh vàng mỗi năm.

Vào năm 2022, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga đã khai thác khoảng 7.000 tấn uranium, 4.500 tấn trong số đó được sản xuất bởi Uranium One Group.

Rosatom cũng là nhà xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân nước ngoài lớn nhất thế giới, sở hữu 74% thị phần trong lĩnh vực này. 37% lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng trên toàn thế giới đang được xây dựng bởi công ty Nga, khi Tập đoàn này hợp tác và đầu tư vào các dự án trải rộng trên phạm vi toàn cầu, từ Mỹ Latinh đến Đông Á.

Rosatom lâu nay vẫn được coi là "biểu tượng" độc quyền năng lượng hạt nhân của Nga, thậm chí được đánh giá là "bất khả xâm phạm" trong giai đoạn này. Tập đoàn thuộc sở hữu của Moscow hiện đứng vững với vai trò nhà xuất khẩu và làm giàu uranium hàng đầu thị trường, đồng thời là đối tác quan trọng và dày dạn kinh nghiệm bậc nhất, trong xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới.

Giới chuyên gia cho rằng, dù phương Tây có căng thẳng với Moscow như thế nào thì Rosatom vẫn được "bảo vệ", bởi vai trò sống còn của nó đối với năng lượng hạt nhân toàn cầu và thực tế là nó không dễ dàng bị thay thế. Bằng chứng cụ thể là kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (2/2022), các thực thể Nga và nhiều cá nhân đã phải hứng chịu 11 gói trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU), nhưng ngành năng lượng hạt nhân và điển hình là Rosatom vẫn nằm ngoài các danh sách bị trừng phạt.

Thực tế, năng lượng hạt nhân vẫn là một lựa chọn cần thiết để đảm bảo nhu cầu năng lượng trên thế giới đang ngày càng tăng trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt. Với sự phát triển của công nghệ điện hạt nhân và nhu cầu năng lượng sạch ngày càng cao, do đó, việc khai thác và chế biến urani vẫn đang tiếp tục được phát triển trên thế giới với nhiều triển vọng trong tương lai.

Trong khi đó, Rosatom là nhà xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân chính trên thị trường toàn cầu. Đến tận năm 2021, Mỹ vẫn dựa vào sự độc quyền hạt nhân của Nga đối với 14% uranium cung cấp cho các lò phản ứng hạt nhân của nước này. Rosatom cũng cung cấp các dịch vụ làm giàu nhiên liệu, chiếm tới 28% nhu cầu của Mỹ. Gần như tất cả nhiên liệu được sử dụng bởi các lò phản ứng hạt nhân mô đun nhỏ của Mỹ cũng là của Nga.

Các nước châu Âu cũng đã mua gần 1/5 nhu cầu nhiên liệu hạt nhân từ Rosatom. Theo nhận xét của chuyên gia Dorfman, EU đã đạt được rất ít tiến bộ kể từ khi từ bỏ ngành công nghiệp hạt nhân của Nga.

Doanh nghiệp của Nga đã xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới và trong một số trường hợp còn tài trợ cho việc xây dựng chúng. Mới đây là trường dự án Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu (Thổ Nhĩ Kỳ), Rosatom đã triển khai hình thức hợp tác đầu tư mới là tài trợ đầy đủ và cam kết vận hành trong suốt vòng đời.

Tính đến cuối năm 2021, gần 1/5 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới là ở Nga hoặc do Nga xây dựng. Hiện tại, Rosatom đang xây dựng thêm 15 nhà máy bên ngoài nước Nga, theo thông tin từ Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia.

"Tính lợi hại" của năng lượng hạt nhân, khiến nhiều nước trên thế giới vẫn không chỉ cảm thấy khó sớm từ bỏ, mà còn mạnh tay tiếp tục theo đuổi điện hạt nhân. Và trong đó, "quan hệ phụ thuộc đan xen" với nhà cung cấp Nga không dễ dàng gỡ bỏ. Các chuyên gia cho biết, việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới để thay thế Rosatom trong ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu sẽ phải mất rất nhiều năm.

Trong khi đó, nhiều quốc gia vẫn đang mong muốn sớm xây dựng các nhà máy điện năng lượng hạt nhân đầu tiên. Đặc biệt, với nhu cầu lớn ở châu Phi hay châu Á... Rosatom được đánh giá có thừa nguồn lực để mang về một tương lai xuất khẩu năng lượng tươi sáng. Do vậy, Rosatom sẽ tiếp tục thu về nguồn thu nhập rất đáng kể, cùng với đó, ảnh hưởng của Điện Kremlin cũng được củng cố trong nhiều thập kỷ tới đối với một thế hệ khách hàng mới.

(theo almayadeen.net, Sputnik)