📞

Người sáng lập công nghệ in hiện đại

08:27 | 20/10/2009
Nhắc đến Microsoft hay Apple, người ta hình dung ngay những cái tên như Bill Gates hay Steve Jobs. Nhưng thành công của hai tập đoàn này còn có sự góp sức lớn của Charles M. Geschke và John E. Warnock.
Charles M. Geschke
 

Nằm trong số những nhân vật chính làm nên sự thành danh của hai "ông lớn" trong ngành công nghệ nhưng Geschke và Warnock lại không được nhiều người biết tới bởi họ khá rụt rè và ít xuất hiện trước công chúng. Trên thực tế nếu như thiếu thứ ngôn ngữ PostScript do công ty Adobe Systems Inc. của Geschke và Warnock tạo ra thì việc viết lách, xuất bản trên màn hình máy tính sẽ không tồn tại.  

 

Như nhiều công ty khác ở thung lũng Silicon, Adobe ban đầu là một sản phẩm phụ của một công ty lớn hơn - Xerox. Lúc đó, Geschke và Warnock đều đang làm việc cho trung tâm nghiên cứu Palo Alto của Xerox với công việc phát triển Interpress - loại ngôn ngữ dùng để mô tả trang giấy in. Ngôn ngữ này rất được ưa chuộng nhưng Xerox quyết định chỉ lưu hành nội bộ chứ không tung rộng rãi ra thị trường. 

 

Choáng váng với quyết định đó, bộ đôi cùng nhau rời bỏ công ty và thành lập nên Adobe System Inc. để có toàn quyền quyết định với những đứa con tinh thần của mình. Ban đầu, họ loanh quanh với một số dự định kinh doanh như dịch vụ sao chép, cung cấp hệ thống và chương trình máy tính cho việc in ấn văn phòng. Cuối cùng, cả hai quyết định sẽ tập trung vào cái mà họ có thể làm tốt nhất, đó là phát triển phần mềm in ấn chuyên dụng. 

 

Ứng dụng những gì từng thực hiện ở Xerox, Geschke và Warnock cho ra đời ngôn ngữ Adobe PostScript và tạo ra một sự đột phá có tính cách mạng trong công nghệ in ấn bởi PostScript trở thành phần mềm in ấn đầu tiên giúp người sử dụng có thể in ấn những trang giấy có chứa cả văn bản, nghệ thuật đường nét và bức ảnh kỹ thuật số. Nhận thức rằng cơ hội tốt nhất để tạo dựng thương hiệu và thành công cho mình chính là việc biến PostScript trở thành chuẩn mực của ngành công nghiệp in ấn, Adobe ngay lập tức đưa ngôn ngữ PostScript miễn phí ra thị trường.

 

Vấn đề là làm sao họ có thể kiếm được tiền khi phát hành PostScipt miễn phí. Và họ đã giải quyết rất thông minh bằng cách bán chương trình đọc ngôn ngữ PostScipt bởi thiếu chương trình này thì PostScipt không sử dụng được. Thêm vào đó, họ cung cấp cho các nhà sản xuất trang thiết bị in ấn những thiết kế các bảng phiên dịch ngôn ngữ được dùng cho các máy in.

 

Chiến lược có hiệu quả. Họ đã cho phép Apple được sử dụng PostScipt và nhờ đó Apple đã lần đầu tiên giới thiệu ngành công nghiệp in laser PostScipt. Vào cuối năm 1984, tức là chỉ 2 năm sau khi thành lập, Adobe đã có doanh thu 2,2 triệu USD và sau đó tăng vọt lên 16 triệu USD vào đầu năm 1986. Cũng trong năm đó, cổ phiếu của Adobe được niêm yết trên Phố Wall và có giá trị rất cao. Nhưng quan trọng hơn, PostScipt đã trở thành ngôn ngữ in ấn quy chuẩn của ngành công nghiệp in ấn.

 

Sau thành công của PostScipt, những sản phẩm có tiếng khác của Adobe cũng gây ấn tượng không kém như phần mềm đồ họa Adobe Illustrator, phần mềm Photoshop, Adobe Acrobat, Adobe Reader... Hiện nay, Adobe đang phải cạnh tranh với một đối thủ cực mạnh là Microsoft nhưng dù cho tương lai có thể nào thì đối với Geschke và Warnock, họ vẫn xứng đáng được vinh danh là “ông tổ” của công nghệ in ấn hiện đại trên máy tính.

 

Linh Ngân