Nhỏ Bình thường Lớn

Người sẽ tạo nên những thành công mới của Unilever

Năm 2005, Patrick Cescau được bổ nhiệm làm CEO của Tập đoàn Unilever và là người đầu tiên giữ vị trí đó trong lịch sử của công ty. Đó là một vị trí xứng đáng dành cho nhà quản lý này, bởi ông đã khởi đầu sự nghiệp của mình tại Unilever từ năm 1973 với nhiều chức vụ cao và với nhiều đóng góp cho tập đoàn.

Trước khi trở thành CEO, chức vụ ban đầu của Cescau là nhân viên tổ chức. Kể từ đó, sự nghiệp đã đưa ông đi nhiều nước trên thế giới và liên tục thăng tiến với những vị trí lãnh đạo cao cấp của Unilever ở nhiều nước như Đức, Hà Lan, Indonesia, Bồ Đào Nha và Mỹ. Ông có những thành tựu nổi tiếng như dành được các thương hiệu Bestfoods và Liptons để sáp nhập vào Unilever.

Từ năm 2004, tập đoàn Unilever đã cơ cấu lại lực lượng lao động (223.000 người) và thay đổi phương thức kinh doanh. Chính vì vậy, khi đảm nhiệm chức vụ, Cescau cũng đã đưa ra kế hoạch cắt giảm số lượng nhân viên lao động không cần thiết để tiết kiệm chi  phí nhân công. Trong 4 năm tới, sẽ có khoảng 20.000 việc làm bị cắt giảm, chiếm 11% lực lượng lao động của tập đoàn. Và hiện Unilever có khoảng 179.000 nhân công, trong đó tại Anh là 8.000 người. Đồng thời, ông cũng dự định đóng cửa hoặc sắp xếp lại khoảng 50 trong số 300 cơ sở của mình và giảm các cơ sở khu vực từ 100 xuống còn 25 nhằm tiết kiệm 1,5 tỷ Euro một năm vào 2010.

Tuy nhiên, việc cải tổ này không diễn ra ở tất cả 150 nước có chi nhánh của Unilever trên toàn cầu mà “chủ yếu diễn ra ở châu Âu, nơi chi phí cơ cấu cao nhất và quản lý dây chuyền cung cấp sản phẩm khu vực mang lại những cơ hội lớn nhất”, Patrick Cescau cho biết. Và đối với ông, việc cải tổ không bao giờ có điểm dừng và câu chuyện phát triển của công ty không bao giờ có hồi kết.

Trước những khó khăn về lợi nhuận của Tập đoàn, Patrick Cescau đã tìm cách cải thiện tình hình bằng việc bán những bộ phận kinh doanh không mấy hiệu quả như bộ phận sản xuất nước hoa, công ty sản xuất thức ăn Mora, Iglo and Birds Eye của Unilever. Ông còn đưa ra một cuộc điều tra trong nội bộ công ty về tương lai của các sản phẩm đông lạnh. Bên cạnh đó, Cescau còn tập trung cải thiện thị phần của Unilever trên thị trường thế giới, bởi theo ông khi thị phần của tập đoàn giảm thì sẽ khó thu hút được khách hàng của mình. Mục tiêu của Cescau là cố gắng vượt qua hai đối thủ lớn nhất hiện tại của Unilever đó là Procter & Gamble and Nestle.

Patrick Cescau cũng tiếp tục hướng tới những thị trường đang phát triển và mới nổi. Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… là những thị trường đang phát triển của Unilever. Trong đó, Việt Nam được ông đánh giá như một ngôi sao sáng đầy tiềm năng, bởi có tốc độ phát triển kinh tế cao, dân số trẻ, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và phát triển tốt. Với nhiều tiềm năng như thế, thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ là một trong những kênh đầu tư hàng đầu của Unilever.

Mặc dù chỉ mới nhậm chức CEO của Unilever hai năm, nhưng những động thái và chiến lược tích cực của ông Patrick Cescau được hy vọng là sẽ có thể làm thay đổi bộ mặt của tập đoàn và tạo nên những thành công mới.

Lê Nguyễn

Tin cũ hơn