📞

‘Người thứ ba’ xen giữa mối quan hệ Nga-Trung Quốc, âm thầm tài trợ cho kinh tế Moscow?

Chu Văn 09:18 | 21/07/2023
Ở thời điểm hiện tại, quan hệ kinh tế Nga-Trung Quốc ngày càng khăng khít, cả hai đều mang lại cho đối phương thứ họ cần.
Khám phá con ‘đường huyết mạch’ nối Nga-Trung Quốc, nỗ lực tài trợ cho nền kinh tế Moscow. (Nguồn: ckgsb.edu.cn)

Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine kéo dài, kèm theo loạt đòn trừng phạt liên tiếp từ Mỹ và phương Tây đang đẩy Moscow ngày càng gần hơn với Bắc Kinh, thậm chí là phụ thuộc trên một phương diện nào đó, khi hai nền kinh tế lớn - một ở Đông Á, một ở phía Bắc lục địa Á - Âu, ngày càng trở nên gắn kết hơn cả về tài chính và thương mại.

‘Đường huyết mạch’ nối Nga-Trung Quốc

Trong bối cảnh Nga bị cô lập vì các biện pháp hạn chế chưa từng có trong lịch sử, Moscow dự báo kim ngạch thương mại với Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục mới 200 tỷ USD vào năm nay. Bên cạnh đó, nhiều số liệu thống kê khác cho thấy Nga sẽ xuất khẩu khoảng 26% hàng hóa sản xuất trong nước sang Trung Quốc. Con số này gấp đôi so với với giai đoạn trước chiến tranh ở Ukraine.

Theo giới quan sát phương Tây, đây không phải một mối quan hệ đối tác cân bằng, một số ý kiến cho rằng, Moscow sẽ ngày càng bị phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chuyên gia Richard Connolly từ Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh khẳng định, mối quan hệ Nga-Trung Quốc mang lại lợi ích cho cả hai bên. Trong đó, Trung Quốc hưởng lợi lớn khi đẩy mạnh nhập khẩu hàng háo từ Nga với mức giá giảm sâu, đặc biệt là dầu thô, khí đốt tự nhiên, than đá và kim loại quý. Song song với đó, nước này cũng xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Nga, mang lại lợi ích kép là thúc đẩy GDP và tạo thêm nhiều việc làm.

Trong khi đó, Nga đang tận dụng mối quan hệ đối tác với Trung Quốc để vượt qua lớp lớp rào cản do biện pháp trừng phạt của phương Tây và có nguồn thu cho nền kinh tế, cũng như nguồn tài chính để tiếp tục triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ ngày càng mật thiết đó, theo các nhà phân tích của Viện Lowy (Australia), các dữ liệu thương mại đang cho thấy nhập khẩu của Trung Á từ Trung Quốc tăng mạnh do khu vực này đang dần hội nhập vào trục kinh tế Bắc Kinh-Moscow.

Mặc dù Trung Á gần như không lọt vào top 25 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tính theo giá trị, nhưng đây vẫn là một đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng đối với Bắc Kinh.

Nếu Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan là một nền kinh tế duy nhất, thực thể đó sẽ chiếm khoảng 70 tỷ USD trong thương mại hàng hóa, ngang bằng với tổng thương mại hàng hóa của Trung Quốc với Chile, nhưng thấp hơn thương mại với các nước như Thái Lan, Mexico và Philippines.

Nhưng quan trọng là, Trung Á ngày càng trở thành điểm trung chuyển cho thương mại Trung-Nga. Hiện có những báo cáo mới về những nguồn cung cấp được chuyển đến Nga thông qua khu vực này.

Điều đó không chỉ vì xuất khẩu khí đốt tự nhiên quan trọng của Trung Á sang Trung Quốc. Các quốc gia Trung Á (và Belarus) đang đóng vai trò là “điểm trung chuyển” cho thương mại Trung-Nga.

Vì vậy, trong khi xuất khẩu hàng hóa chính thức của Trung Quốc sang Trung Á đã tăng mạnh trong năm ngoái, nhiều lô hàng trong số này thực tế đã nhanh chóng được tái xuất sang Nga.

Nếu không có nhập khẩu, các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Nga sẽ không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu hàng hóa và dẫn đến lạm phát mà còn phải thực hiện những đánh đổi khó khăn giữa “súng và bơ” đối với các sản phẩm sản xuất.

Ví dụ, nhập khẩu một số sản phẩm công nghiệp có thể cho phép Điện Kremlin tái sử dụng các dây chuyền sản xuất hàng hóa quân sự, chẳng hạn như xe tăng hoặc xe bọc thép.

Vai trò của Trung Á?

Thương mại với Trung Á dường như đã cho phép Bắc Kinh gián tiếp hỗ trợ Điện Kremlin vì một lượng đáng kể hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Trung Á có thể đã được tái xuất sang Nga.

Theo thống kê thương mại chính thức của Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay của Trung Quốc sang Trung Á ở mức 16,6 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2022 lần lượt 140% và 62%.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Trung Á rất đa dạng. Từ năm 2021 đến năm 2022, xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh ở một số mặt hàng, bao gồm hóa chất hữu cơ, nhựa, da, vải, may mặc và giày dép. Hàng may mặc chiếm tỷ lệ cao đáng ngạc nhiên trong hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Trung Á.

Xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc sang khu vực, từ viễn cảnh của cuộc xung đột ở Ukraine, có thể là các lô hàng phương tiện và các lô hàng phụ tùng.

Xuất khẩu phương tiện giao thông của Trung Quốc sang Trung Á cũng đã tăng vọt kể từ cuộc xung đột. Xuất khẩu từ tháng 1-5/2023 tăng 161% so với năm 2022 và tăng hơn 4 lần so với năm 2021.

Theo thống kê thương mại chính thức, Trung Quốc đã vận chuyển hơn 4.700 xe tải hạng nặng đến Trung Á trong 4 tháng đầu năm 2023, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước; các lô hàng phụ tùng và phụ kiện tăng đáng kinh ngạc, ở mức 520% so với năm 2021.

Động thái này một phần được giải thích là do Nga hạn chế xuất khẩu sang Trung Á xe tải hạng nặng và phụ tùng, cả hai đều có ứng dụng quân sự quan trọng. Mặt khác, có thể các nước Trung Á tái xuất xe tải và phụ tùng sang Nga sau khi nhận hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vấn đề phức tạp là có một số yếu tố tiềm năng khác góp phần vào việc tăng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sang Trung Á. Ở cấp độ toàn cầu, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên, khi Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Việc Trung Quốc dừng chính sách “Zero Covid” vào tháng 12/2022 đã cải thiện khả năng xuất khẩu xe.

Trong bối cảnh ở Trung Á, việc các nhà sản xuất ô tô phương Tây rời khỏi Nga đã làm giảm đáng kể khả năng nhập khẩu ô tô từ các nguồn không phải của Trung Quốc trong khu vực, trong khi ô tô Trung Quốc vừa có giá rẻ, lại nhắm vào đúng phân khúc giá trị của thị trường.

Mặc dù các nền tảng kinh tế giải thích cho hầu hết sự gia tăng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sang Trung Á, đặc biệt là đối với ô tô mới, nhưng không rõ tại sao phụ tùng thay thế cho các phương tiện hiện tại lại tăng mạnh như vậy.

Bỏ qua câu hỏi liệu Bắc Kinh có đang tích cực chỉ đạo các nhà xuất khẩu của mình gửi hàng hóa đến Trung Á hay không? Rất có khả năng nhiều hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đang đến Nga đã củng cố sức mạnh kinh tế cho Điện Kremlin.

Trung Quốc rõ ràng là chủ thể quyền lực nhất ở Trung Á và ngày càng sẵn sàng khẳng định vai trò lãnh đạo.

Tuy nhiên, bất chấp sự lo lắng của Moscow đối với dấu ấn an ninh và kinh tế của Bắc Kinh ở khu vực Trung Á ngày càng tăng, cả Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục chia sẻ những lợi ích chung trong khu vực.

Cả hai quốc gia coi trọng mối quan hệ song phương rộng lớn hơn là những lợi ích riêng biệt và hạn chế của họ ở Trung Á.

Mặc dù, về dài hạn, các nguồn tài nguyên của Trung Á có thể gây ra căng thẳng giữa hai quốc gia, nhưng điều đó không xảy ra ngay bây giờ. Trung Á hiện vẫn là “huyết mạch” nối giữa Moscow và Bắc Kinh, chứ không phải là nhân tố gây chia rẽ Nga-Trung.

(theo lowyinstitute.org)