Ngày 10/9/2015, bức ảnh chụp Modamani đang selfie với Thủ tướng Angela Merkel khi bà đến thăm nơi ở dành cho người tị nạn tại Berlin nhanh chóng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, trở thành biểu tượng cho chính sách của bà Merkel về việc mở cửa biên giới Đức cho hàng trăm nghìn người tị nạn. “Bức ảnh đã làm thay đổi cuộc đời tôi”, Modamani nói.
Bỗng chốc trở thành khủng bố
Tuy nhiên, kể từ đó, bức ảnh này đã xuất hiện trong hàng loạt tin tức xuyên tạc trên mạng xã hội cho rằng Modamani là kẻ đã thực hiện các vụ khủng bố ở châu Âu, trong đó có vụ tấn công kinh hoàng bằng xe tải vào một khu chợ Giáng sinh ở Berlin. Anh cũng bị cho là một trong những người tị nạn đã thiêu một người đàn ông vô gia cư khi ông này đang ngủ ở Berlin hồi cuối tháng 12/2016.
Tin giả mạo đầu tiên mà Modamani có thể xác định được là vào tháng 3/2016, khi người ta sử dụng ảnh anh và cho rằng đây là chân dung của Najim Laachraoui, một trong những kẻ khủng bố đứng sau vụ đánh bom Brussels tháng 3/2016 cùng lời khẳng định rằng bà Merkel “selfie với một kẻ khủng bố”.
“Tôi đã khóc khi tôi nhìn thấy nó”, Modamani, hiện 19 tuổi, nói. “Tôi muốn sống yên thân ở Đức. Tôi chạy trốn khỏi chiến tranh và các cuộc xung đột ở Syria để đến sống ở nơi an toàn… Tôi cũng sợ ra khỏi nhà sau khi tôi thấy điều mà người ta viết về tôi. Đây không chỉ là vấn đề của tôi. Nó là vấn đề của thời đại chúng ta”.
Bức ảnh chụp Modamani đang Selfie với Thủ tướng Merkel khi bà đến thăm nơi ở dành cho người tị nạn tại Berlin. (Nguồn: Bild.de) |
Modamani sống ở ở Darayya, ngoại ô thành phố Damascus, đã đến Đức vào tháng 7/2015. Hành trình gian khổ và đầy nguy hiểm đưa Modamani vượt qua biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp trên một chiếc tàu cũ kỹ. Tại đây, anh theo hành trình từ Balkan đến Trung Âu, sau đó chuyển tới một khu định cư đông đúc dành cho người tị nạn. “Đó là một trong những giai đoạn khủng khiếp nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không có đủ thức ăn. Tôi không nói được tiếng Anh và không có gia đình bên cạnh”, Modamani kể.
Bây giờ, anh có gia đình nhận nuôi và bạn bè mới ở Berlin. Anh cũng có một công việc tại cửa hàng bán đồ ăn nhanh và đang học tiếng Đức. Modamani muốn học và tìm một công việc tốt hơn ở Đức, nhưng anh vẫn không chắc chắn về tương lai của mình và luôn lo lắng về việc bức ảnh tiếp tục bị sử dụng sai sự thật hoặc một ai đó tìm kiếm về anh trên mạng có thể thấy thông tin bịa đặt rằng anh liên quan đến chủ nghĩa khủng bố.
“Tôi thực sự sợ hãi khi nghĩ về điều đó, thậm chí ngay cả khi tôi gửi một thư xin việc lên mạng. Sự việc này làm tôi cảm thấy bất lực và không thể kiểm soát được”, Modamani buồn bã nói.
Kiện Facebook
Một vài tháng trôi qua, khi có thêm nhiều tin tức bịa đặt khác xuất hiện trên Facebook, Modamani bắt đầu các thủ tục pháp lý chống lại mạng xã hội khổng lồ này. Anh cho rằng Facebook đã quá chậm trễ trong việc gỡ bỏ những tin tức giả mạo liên quan đến bức ảnh. Thông qua luật sư Chan-jo Jun, anh nộp đơn kiện chi nhánh châu Âu của Facebook - Facebook Ireland Ltd. Phiên tòa đầu tiên đã diễn ra tại thị trấn miền Nam nước Đức - Wurzburg trong tháng này, và dự kiến phán quyết sẽ được đưa ra vào ngày 7/3 tới.
"Chúng tôi nghĩ rằng Facebook phải xóa tất cả nội dung phỉ báng... Chúng tôi muốn bức ảnh bị xóa ở khắp mọi nơi trên mạng xã hội này, và chúng tôi muốn Facebook có hành động để bức ảnh sẽ không được tải lên một lần nữa," luật sư Jun nói trong một video trên trang mạng của ông.
Anas Modamani và luật sư tại phiên tòa ở Wurzburg (Đức). (Nguồn: Washington Times) |
Một phát ngôn viên của Facebook tuyên bố: “Chúng tôi đã nhanh chóng vô hiệu hóa việc truy cập những nội dung được người đại diện pháp lý của Modamani báo cáo. Vì thế, chúng tôi không tin rằng, những hành động pháp lý ở đây là cần thiết hay hiệu quả nhất để giải quyết tình hình”.
Trong khi đó, Martin Munz - luật sư của Facebook nói trong phiên tòa ở Wurzburg rằng hiện không có công nghệ đáp ứng được yêu cầu của luật sư Jun về việc tìm kiếm và xác định mỗi bài viết được đăng tải trên Facebook có khả năng bôi nhọ danh dự qua việc sử dụng bức ảnh gốc hoặc một bức ảnh đã được chỉnh sửa.
Facebook, mạng xã hội có gần hai tỷ người sử dụng hàng tháng trên toàn thế giới, đã bị chỉ trích về vai trò của nó trong việc lây lan các tin tức giả mạo trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.
“Chúng tôi không muốn là trọng tài của sự thật... Chúng tôi không thể làm điều này không có nghĩa là chúng tôi không muốn chịu trách nhiệm”, Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành của Facebook, nói với tờ báo Bild của Đức. Theo Sandberg, Facebook đã thử nghiệm bộ lọc tin giả ở Đức để xác định tin lừa đảo.
Thomas Noetzel, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Marburg, lưu ý rằng các bài viết về Modamani cũng là nhằm tấn công bà Merkel. Các nhà lập pháp của Đức đang xem xét những quyết định cứng rắn hơn đối với các mạng xã hội lớn khi họ không gỡ bỏ kịp thời những bài viết chứa thông tin giả mạo.
Trong khi đó, Modamani cho biết anh đơn giản chỉ muốn mọi người dừng việc sử dụng hình ảnh của anh trong những tin xuyên tạc đầy ác ý. “Syria luôn ở trong trái tim tôi, nhưng nước Đức giờ đây là ngôi nhà thứ hai của tôi. Tôi đã sống sót qua chiến tranh ở Syria trong nhiều năm. Cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt hơn và tôi đã đi tới nơi mà tôi không phải chứng kiến bất kỳ cảnh đổ máu nào nữa”, Modamani nói.