Thật vậy, lâu nay người tiêu dùng vẫn còn “tâm lý và thói quen” sính hàng ngoại, trong khi hàng nội có chất lượng tương đương, lại rẻ hơn. Tâm lý ấy thể hiện rõ nhất ở nhiều mặt hàng tiêu dùng hàng ngày của người Việt. Người ta dễ dàng chọn một cân gạo thơm của Thái, mua hàng tiêu dùng Trung Quốc hay một bộ quần áo Made in Korea… Sự dễ dàng ấy dường như trở thành thói quen của không ít người. Đấy là chưa kể yếu tố tâm lý cho rằng hàng ngoại luôn tốt hơn hàng nội, như mặt hàng sữa. Điều này gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng và cho cả doanh nghiệp Việt Nam.Vẫn ở tại Việt Nam, người ta dễ dàng nhìn thấy, người của Sứ quán Hàn Quốc đi xe do Hàn Quốc sản xuất, mặc đồ đến các vật dụng trong sứ quán đều có xuất xứ từ đất nước họ. Hay như người Nhật sẽ đi xe nhãn hiệu do doanh nghiệp Nhật làm ra, người Đức hay Pháp cũng thế… Đấy là văn hóa, là cách họ bảo vệ hàng hóa nội và cũng là cách họ quảng bá tốt nhất hình ảnh về đất nước, con người và đặc biệt là hàng hóa của chính nước mình. Người tiêu dùng Việt hoàn toàn có thể làm được như vậy.Nhưng để người Việt dùng hàng Việt, đến lúc phải nói đến trọng trách của cộng đồng doanh nghiệp. Sẽ là vô lý nếu cứ “bắt” người dân dùng hàng của mình trong khi mình không thể đáp ứng được nhu cầu “chất lượng cao” trong thời điểm cạnh tranh gay gắt hiện nay. Có thể ai cũng biết đến Vinamilk, đến Kinh Đô, đến May 10… nhưng có mấy doanh nghiệp làm được như thế. Vấn đề là các doanh nghiệp phải nhìn lại chính “con đường” của mình nếu không muốn để thua trên sân nhà. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận đúng đắn về thị trường trong nước. Không phải là vô lý mà hàng nội địa của Nhật Bản luôn có tiêu chuẩn chất lượng tốt hơn so với hàng xuất khẩu. Bởi, hàng hóa tốt nhất phải được bán ở thị trường gần và khi đã có uy tín ở trong nước, việc xuất khẩu cũng sẽ dễ dàng hơn.Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Đây là cách đặt vấn đề đúng. Tuy nhiên, các Bộ, ngành cũng cần phải vào cuộc quyết liệt để chống lại sự xâm nhập của hàng lậu, hàng giả, hàng nhái… Có như thế cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt mới có cơ sở để thực hiện đúng đắn.Hiện cũng đã có nhiều doanh nghiệp phân phối hàng hóa vào cuộc với các kết quả rất cụ thể: BigC và Metro đang bày bán tới 80% hàng hóa nội; hệ thống siêu thị của Hapro, Vinatex… cũng bày trên 90% hàng hóa nội… Tuy nhiên, ngay tại buổi phát động “Người Việt ưu tiên dùng sữa Việt”, do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tổ chức ngày 18/8, tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia vẫn phải kêu lên rằng “Nhiều sản phẩm sữa của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu ngược vào các thị trường hàng đầu thế giới. Tại sao người tiêu dùng cứ chạy theo các loại sữa nhập khẩu, giá cao trong khi sữa nội cùng chất lượng rẻ hơn nhiều?”. Vấn đề ở đây vẫn là yếu tố “tâm lý và thói quen” của người tiêu dùng. Văn Lãng