📞

Người Việt ở Hoa Kỳ sẵn sàng cùng đất nước đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao

Nguyễn Hồng 14:46 | 18/09/2023
Các kiều bào khẳng định, sẽ cùng chung tay đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao việc dạy và học tiếng Việt, tăng cường kết nối đội ngũ người Việt có trình độ tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các kiều bào tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chung tay xây dựng đất nước

Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Hoàng Anh Tuấn báo cáo tình hình hoạt động của bà con kiều bào tại San Francisco. Ngay sau đó, đại diện kiều bào đã chia sẻ ý kiến, đánh giá cao về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và đối ngoại vừa qua của đất nước, với đường lối đối ngoại đúng đắn, phù hợp của Đảng, Nhà nước ta; đặc biệt là việc hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, đáp ứng mong đợi của nhân dân hai nước.

Các kiều bào bày tỏ xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với quan điểm coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; nêu một số đề xuất, kiến nghị để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh như: chung tay đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực ngành công nghệ thông tin, việc dạy và học tiếng Việt, tăng cường kết nối đội ngũ người Việt trình độ cao tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới…

Đông đảo kiều bào tham dự buổi gặp mặt với Thủ tướng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong đó, kiều bào, GS. Phan Mẫn bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, từ hai quốc gia, dân tộc, hai nền văn hóa và hai chủ nghĩa khá xa lạ nhưng đã ngồi lại, xích lại gần nhau để trở thành đối tác.

Ông mong muốn cộng đồng người Việt Nam dù ở đâu cũng gắn bó với nhau để hướng đến một đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn thịnh, văn minh hơn.

GS. Phan Mẫn chia sẻ: "Từ lâu, tôi luôn thấm thía với một câu tuyên bố của Nhà nước: Kiều bào ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời với quê hương, với dân tộc, đất nước Việt Nam. Làm sao cụ thể hóa câu nói này, chính sách nào, hoạt động gì của Chính phủ có thể cho đồng bào ở Mỹ chiêm nghiệm được câu nói đầy tình nghĩa này".

Ông mong rằng, Chính phủ luôn quan tâm đến nguyện vọng những tài năng ở nước ngoài, mong muốn đóng góp cho một Việt Nam giàu mạnh.

TS. Trần Việt Hùng, nhà sáng lập Got It-startup công nghệ đã huy động 25 triệu USD vốn đầu tư có trụ sở tại thung lũng Silicon, Hoa Kỳ chia sẻ vui mừng khi hai nước nâng cấp quan hệ, tạo ra nhiều cơ hội để Việt Nam, tận dụng được những thế mạnh về công nghệ của Hoa Kỳ, từ đó có các giải pháp về công nghệ và phát triển nền kinh tế số cho Việt Nam.

“Từ trước đến nay, chúng tôi luôn mong muốn quan hệ hai nước ngày càng phát triển, bởi đây là cơ hội tuyệt vời để phát triển công nghệ cho đất nước”, TS. Hùng nói. Tuy nhiên, anh trăn trở làm sao để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này?

Theo TS. Hùng, điểm mấu chốt ở đây chính là làm sao xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao mà Việt Nam đang thiếu. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều người giỏi hiện đang sinh sống và làm việc trên trên thế giới và đặc biệt là tại Thung lũng Silicon.

“Chúng tôi tin rằng, người Việt trẻ làm công nghệ không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở khắp nơi trên thế giới, luôn sẵn lòng chung tay với nước nhà đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao”, TS. Hùng nói.

Theo thống kê, trong một năm Việt Nam đào tạo được khoảng 50.000 kỹ sư công nghệ từ các trường đại học, cao đẳng, nhưng chỉ có khoảng 6.000 kỹ sư có thể làm được công nghệ chất lượng tương đương với ở Mỹ. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước”, TS. Trần Hùng nhấn mạnh.

Đại diện thanh niên, chị Tô Diệu Liên bày tỏ mong muốn có cơ chế giúp người trẻ Việt Nam ở Hoa Kỳ nhiều cơ hội để đóng góp tốt hơn đất nước. Trong đó phải kể đến sáng kiến “Vòng tay nước Mỹ”, giúp kết nối, tập hợp sinh viên Việt Nam theo học trên khắp đất nước để kết nối, lan toả tinh thần đoàn kết, hướng về quê hương.

Về tiếp nối truyền thống, giữ gìn tiếng Việt, kiều bào Thuỷ Vũ cho rằng, cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác giáo dục giữa hai nước, cũng như đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại một số trường Đại học của Hoa Kỳ. Chị Thuỷ nhắc lại câu diễn thuyết của Phạm Quỳnh: “Tiếng ta còn, nước ta còn” và kêu gọi các kiều bào hãy cùng nhau nỗ lực gìn giữ tiếng Việt.

Mong 2,2 triệu kiều bào tiếp tục đồng hành cùng đất nước

Không khí cuộc gặp ngay từ đầu đã ấm cúng và vui vẻ khi Thủ tướng thay mặt đoàn mời kiều bào và các đại biểu thưởng thức những món bánh quê hương được mang từ Tổ quốc trong chuyến công tác.

Người Việt ở Hoa Kỳ thưởng thức đặc sản quê hương do Thủ tướng và đoàn mang theo. (Ảnh: Đoàn Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại San Francisco và các vùng lân cận, sau cuộc gặp cách đây đúng 1 năm 4 tháng trong chuyến công tác lần trước tại Hoa Kỳ.

Thủ tướng gửi tới tất cả các đại biểu có mặt tại buổi gặp gỡ cùng toàn thể bà con kiều bào ở Hoa Kỳ lời chào, lời thăm hỏi, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.

Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, phản ánh tầm vóc của quan hệ, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng đánh giá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ khá đặc biệt, với nhiều đặc điểm riêng: Từ hai nước trong tình trạng chiến tranh tới việc bình thường hóa quan hệ năm 1995, sau đó, ký kết Hiệp định thương mại song phương năm 2001, thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 và vừa qua, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Đây là những kết quả nỗ lực của cả hai bên, qua đó, thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ. Với những dấu mốc và thành tựu đã đạt được, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.

Thủ tướng cho biết, chuyến thăm khẳng định Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, qua việc Tổng thống Hoa Kỳ nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư đón và hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ tại trụ sở Trung ương Đảng; Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao những bước phát triển và vai trò, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Với sự kiện này, lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, nhiều nước khác cũng đang muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Thông tin thêm, Thủ tướng cho biết, kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là điểm sáng và là động lực của quan hệ song phương với kim ngạch hai chiều đạt hơn 123 tỷ USD vào năm 2022. Hợp tác giữa hai nước về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân… tiếp tục đạt nhiều tiến triển quan trọng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, Thủ tướng thông báo tới bà con một số điểm nổi bật về tình hình trong nước. Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Năm 2022, tổng GDP đạt 409 tỷ USD, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới; tăng trưởng trên 8%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ 2011-2022; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục trên 732 tỷ USD, xuất siêu trên 11 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng trên các lĩnh vực với xu hướng "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước".

Cùng với đó, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, được nhân dân đồng tình ủng hộ. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, toàn diện.

Thủ tướng nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thủ tướng cho biết, nhiều ý kiến quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là hình mẫu về sự ổn định và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, có được những thành tựu đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và kiều bào ta ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao những bước phát triển và vai trò, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước. Cộng đồng kiều bào nói chung ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về địa bàn với khoảng 6 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 0,6 triệu là chuyên gia, trí thức. Trong đó, riêng tại Hoa Kỳ có khoảng 2,2 triệu người, đông nhất thế giới, riêng bờ Tây số người Việt lên đến hơn 1 triệu người, trong đó tại San Francisco có 700.000 người.

Thủ tướng nhắc lại Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden: "Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những đóng góp to lớn của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đối với sự phát triển của quan hệ hai nước. Tổng thống Biden khẳng định cộng đồng người Hoa Kỳ gốc Việt là một trong những cộng đồng thành công, năng động, sáng tạo nhất tại Hoa Kỳ".

Các đại biểu đã cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật "Một thoáng quê hương". (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và đồng bào ta ở Hoa Kỳ nói riêng, "là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam", qua ban hành và thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Với việc hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhất là tạo cơ hội nhiều hơn cho các hoạt động thương mại, đầu tư (hiện đầu tư của Hoa Kỳ sang Việt Nam mới đạt khoảng 11 tỷ USD), Thủ tướng mong muốn thời gian tới, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ ngày càng đoàn kết, thống nhất, năm sau thành công hơn năm trước, tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và đóng góp cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Thủ tướng chia sẻ với những nguyện vọng, đề xuất của bà con, ghi nhận các ý kiến và yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung rà soát, nghiên cứu, sớm có giải pháp phù hợp trên tinh thần kịp thời, thấu đáo.

Cũng tại cuộc gặp mặt, các đại biểu đã cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật "Một thoáng quê hương". Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào dù ở đâu cũng nỗ lực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, theo tinh thần "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "văn hóa còn thì dân tộc còn".

Các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong chương trình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Một tiết mục nghệ thuật trong chương trình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Tiết mục văn nghệ do kiều bào biểu diễn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)