📞

Nguy cơ virus Zika lan truyền tại Việt Nam

23:03 | 29/01/2016
Zika – loại virus đang đe dọa sức khỏe hàng triệu người ở châu Mỹ, đang trở thành nguy cơ đối với Việt Nam.

Tiêu diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy là biện pháp hiệu quả hiện nay. (Nguồn: CNN)

Nguy cơ hiện hữu

Virus Zika được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda, sau đó tiếp tục ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng virus lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi.

Tại châu Á đã ghi nhận trường hợp nhiễm đầu tiên vào năm 2007 tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Năm 2013 ghi nhận ổ dịch đầu tiên tại French Polynesia, sau đó lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả New Caledonia, đảo Cook và đảo Easter.

Năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại một số quốc gia khu vực châu Mỹ, châu Phi như: Guatemala, El Salvador, Venezuela, Senegal, Honduras, Panama, Brazil.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus Zika có tốc độ lan truyền rất nhanh. Kể từ khi được phát hiện đầu tiên tại Brazil vào tháng 5/2015, hiện virus này đã lan truyền tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực châu Mỹ. Hiện hai quốc gia Bắc Âu là Đan Mạch, Thụy Sĩ cũng có tên trong danh sách các quốc gia có người nhiễm virus Zika. Tất cả các bệnh nhân đều là khách du lịch đã đến các vùng có dịch ở Trung và Nam Mỹ. Hà Lan đã ghi nhận 10 trường hợp và Anh có 5 trường hợp nhiễm Zika.

Hiện tại ở Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika, tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam cũng lây truyền qua muỗi Aedes – loài muỗi truyền virus Zika nên nguy cơ loại virus có nguồn gốc Nam Mỹ này xuất hiện và hoành hành tại Việt Nam là hoàn toàn có thể. Hơn nữa, tại Thái Lan và Đài Loan cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của loại virus này nên nguy cơ virus Zika lan truyền là rất cao.

 Chủ động phòng tránh

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus Zika có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa hoặc không có biểu hiện triệu chứng, do đó nhiều trường hợp mắc bệnh có thể không phát hiện được. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do virus Zika.

Tuy nhiên, một số thông tin về dịch tễ học liên quan đến bệnh do virus Zika tại Brazil gần đây đã dấy lên sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới về ảnh hưởng của virus Zika đối với thai nhi. Brazil vừa xác nhận có thêm 5 em bé tử vong vì nhiễm virus Zika. Bộ Y tế Brazil xác nhận loại virus này có liên quan đến việc gây dị tật ở thai nhi gây tổn thương não, thường gọi là bệnh đầu nhỏ. Mới đây, trên đảo Hawaii của Mỹ, một phụ nữ nhiễm Zika ở Brazil sinh con với não bị tổn thương. Tới nay, Brazil báo cáo xấp xỉ 3.900 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đầu nhỏ, cao gấp hơn 30 lần con số ghi nhận trong bất kỳ năm nào kể từ năm 2010.

Hiện các chuyên gia y tế cũng đang quan ngại về những báo cáo tại lãnh thổ Polynesia thuộc Pháp và Brazil về mối liên hệ giữa nhiễm virus Zika và hội chứng Guillane-Barré, một chứng rối loạn do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần hệ thần kinh ngoại biên.

Người nhiễm virus Zika thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh do virus này gây ra. Vì vậy, việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh bằng cách diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh.

Quang cảnh buổi họp báo ngày 29/1 nhằm tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh so virus Zika gây ra (VOV)

Trước tình hình dịch do virus Zika diễn biến phức tạp, lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã yêu cầu các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur tăng cường công tác giám sát bệnh do virus này gây ra.

Tại cuộc họp báo chiều 29/1, Bộ Y tế cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới nhằm theo dõi sát diễn biến, tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta. Do bệnh virus Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh, nên việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh bằng cách diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy là biện pháp hiệu quả hiện nay.

Để chủ động phòng, chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo những người trở về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.

Các biện pháp phòng bệnh

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. (Nguồn: Bộ Y tế)