📞

Nguy cơ vỡ nợ - 'Nút thắt cổ chai’ thường kỳ của Mỹ có thể khiến cả thế giới 'tắc đường'

Minh Anh 15:09 | 09/05/2023
Mọi kịch tính dồn đến đỉnh điểm rồi sẽ lại kết thúc bằng một mức trần nợ mới. Việc nước Mỹ bên "bờ vực vỡ nợ" đã thành một thủ tục tương đối thường xuyên đối với Quốc hội. Kể từ năm 1960, Quốc hội đã tăng mức trần nợ 78 lần và trong lịch sử, nước Mỹ cũng đã từng bị coi là vỡ nợ ít nhất 5 lần. Vậy lần này có gì khác không?
Mỹ nguy cơ vỡ nợ - 'Nút thắt cổ chai’ thường kỳ của Washington có thể khiến cả thế giới bất an. (Nguồn: Shutterstock)

Trên một bức tường ở Manhattan, cách Quảng trường Thời đại không xa, đồng hồ nợ của Mỹ tăng cao hơn mỗi ngày, từ 3 triệu USD khi nó được khánh thành vào năm 1989, đã lên hơn 31 triệu USD vào ngày hôm nay.

Sau khi leo thang trong nhiều năm mà không có suy thoái kinh tế rõ ràng, nó rất dễ bị bỏ qua, đặc biệt khi nó đã được chuyển từ một vị trí “bắt mắt” trên một góc phố đông đúc sang một lối đi yên tĩnh. Nhưng mỗi bước nhảy không ngừng của nó đột nhiên trở thành một rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu.

Nếu nước Mỹ không trả được nợ...

Trần nợ là số tiền mà Quốc hội cho phép chính phủ Mỹ vay để đáp ứng các nghĩa vụ cơ bản của mình, từ cung cấp bảo hiểm y tế đến trả lương cho quân đội.

Mức trần tổng nợ hiện tại là 31,4 nghìn tỷ USD (117% GDP) và nước Mỹ đang quan tâm đến mức này. Vào ngày 1/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo, chính phủ sẽ cạn kiệt dự trữ tiền mặt và cả những lời biện hộ về ngân sách, ngay sau ngày 1/6.

"Theo đánh giá của tôi và của các nhà kinh tế, việc vỡ nợ đối với khoản nợ của chúng ta sẽ gây ra một thảm họa kinh tế và tài chính”, bà Yellen nói

Nếu nước Mỹ không trả được nợ, hàng loạt người sẽ mất việc làm, đẩy các khoản thanh toán hộ gia đình rơi vào bế tắc... Các doanh nghiệp nước này sẽ phải đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi và chính phủ có thể sẽ không còn có thể cấp các khoản thanh toán cho các gia đình quân nhân và người cao tuổi sống dựa vào an sinh xã hội.

Một báo cáo mới công bố của Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Joe Biden cho biết, nếu Mỹ vỡ nợ dài hạn, hơn 8 triệu người có thể mất việc và một nửa giá trị thị trường chứng khoán có thể bị mất, nền kinh tế sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.

Trong báo cáo này, Nhà Trắng chỉ ra 3 kịch bản có thể xảy ra với nền kinh tế Mỹ, bao gồm trường hợp tránh được vỡ nợ, vỡ nợ ngắn hạn và vỡ nợ kéo dài. Theo đó, ngay cả khi Mỹ không chịu cảnh vỡ nợ, khoảng 200.000 người vẫn bị mất việc làm và GDP trong năm vẫn bị suy giảm 0,3 điểm phần trăm. Đối với trường hợp vỡ nợ ngắn hạn, nền kinh tế sẽ mất khoảng nửa triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,3 điểm phần trăm.

Trước cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vài ngày, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm thế đa số đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, nhưng đi kèm với biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ - động thái vấp phải sự phản đối từ Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ - hiện đang kiểm soát Thượng viện.

Dù Tổng thống Joe Biden khẳng định sự cần thiết phải tăng giới hạn nợ của quốc gia, tuy nhiên, ông tuyên bố sẽ không đàm phán với phe Cộng hòa về biện pháp cắt giảm chi tiêu để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.

Trở lại năm 2011, một cuộc chiến trần nợ tương tự cũng đã đưa nước Mỹ đến bờ vực vỡ nợ và khiến xếp hạng tín dụng hàng đầu của đất nước bị hạ bậc. Lần này, các cuộc đàm phán có thể còn khó khăn hơn. Đảng Cộng hòa, hiện kiểm soát Hạ viện Mỹ, cho biết sẽ sử dụng trần nợ công để buộc đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Joe Bieden phải nhượng bộ, cắt giảm các khoản chi của chính phủ và thay đổi cách thức chi tiêu.

Mỹ có thể vỡ nợ nếu cả hai đảng không đạt được thỏa thuận. Điều đó có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính, gây thiệt hại cho sản lượng kinh tế và gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc nếu đất nước không thể thanh toán tất cả các hóa đơn đúng hạn.

Chuyện cũ ở Mỹ và "ác mộng" của thế giới

Tuy nhiên, việc Mỹ đứng bên bờ vực vỡ nợ không phải là vấn đề mới, điểm đáng chú ý là bối cảnh hiện nay ở nước Mỹ và các cuộc đàm phán giữa hai đảng được cho là khó khăn hơn để có thể đạt được một thỏa thuận về mức trần nợ công.

Trong giới chuyên gia, nhiều người cũng cho rằng, "như thường lệ" dù vẫn có nguy cơ vỡ nợ nhưng khả năng này không cao. Mọi kịch tính dồn đến đỉnh điểm rồi sẽ lại kết thúc bằng một mức trần nợ mới như nó vẫn xảy ra. Trong khi đó, tác động từ việc này có thể cũng không nghiêm trọng như những gì mà giới chức Mỹ cảnh báo.

Dù nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng trong lịch sử nước Mỹ, việc nâng trần nợ là một thủ tục tương đối thường xuyên đối với Quốc hội. Kể từ năm 1960, Quốc hội Mỹ đã tăng mức trần nợ 78 lần, với lần tăng gần đây nhất vào năm 2021, lên mức 31.400 tỷ USD như hiện nay.

Trong lịch sử, nước Mỹ cũng đã từng bị coi là vỡ nợ ít nhất 5 lần, gần đây nhất là năm 1979 khi chính phủ và Quốc hội tranh chấp nâng trần nợ công như hiện nay, khiến Bộ Tài chính không thể trả các khoản nợ đến hạn.

Hay nói cách khác, trên thực tế, những cảnh báo nghiêm trọng mà giới chức Mỹ đưa ra chỉ nhằm gây sức ép trong nội bộ, liên quan đến tranh cãi ngân sách là chính chứ không phải thực tế sẽ diễn ra như vậy. Tuy nhiên, đối với thế giới, tác động của việc Mỹ vỡ nợ sẽ như thế nào mới là câu hỏi được quan tâm lúc này.

Tại thời điểm này, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ quốc gia hoặc cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ. Một trong hai “lựa chọn” này đều sẽ tàn phá thị trường toàn cầu. Việc vỡ nợ sẽ làm xói mòn niềm tin vào hệ thống tài chính quan trọng nhất thế giới; còn nếu cắt giảm ngân sách lớn có thể gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc.

Ngay cả khi Quốc hội có thể tăng trần nợ trước khi bất cứ điều gì nghiêm trọng xảy ra, thì thực trạng “bên bờ vực thảm họa” đã đủ cảnh báo về sự suy giảm sức khỏe tài chính của nền kinh tế có tầm ảnh hưởng nhất thế giới và là dấu hiệu rất khó phục hồi.

Xét trong trường hợp xấu nhất, nước Mỹ vỡ nợ, dù là vỡ nợ kỹ thuật hay vỡ nợ thực sự trên lý thuyết là có thể xảy ra và việc này sẽ gây ra tác động lớn đến kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới với hậu quả chưa thể lường trước. Các tác động từ việc vỡ nợ sẽ ảnh hưởng trước hết đến nước Mỹ sau đó là nền kinh tế toàn cầu và cuối cùng là ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển có nợ công cao.

Các nhà đầu tư đã bắt đầu trở nên lo lắng trong bối cảnh không chắc chắn liệu đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có thể làm việc cùng nhau hay không. Lợi tức trái phiếu kho bạc đáo hạn vào đầu tháng 6 đã tăng một điểm phần trăm sau lời cảnh báo của bà Yellen, một dấu hiệu cho thấy ít người muốn nắm giữ trái phiếu chính phủ vì có thể bị vướng vào “làn đạn” bất cứ lúc nào.

Việc nước Mỹ vỡ nợ có thể tàn phá hệ thống tài chính toàn cầu, vốn trong thời điểm nhạy cảm khi đang mất ổn định hậu khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ các vụ đổ vỡ ngân hàng vừa qua. Vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và hơn một nửa số dự trữ ngoại tệ của thế giới là đồng USD nên bất kỳ tác động nào đến niềm tin vào nền kinh tế Mỹ, cho dù do vỡ nợ hay mất ổn định, rơi vào suy thoái đều có thể khiến các nhà đầu tư bán trái phiếu kho bạc Mỹ và do đó làm suy yếu đồng USD.

Việc giá trị của đồng tiền này giảm đột ngột sẽ khiến các nền kinh tế kém và đang phát triển có nợ công cao phải trả nợ nhiều hơn, các khoản nợ bằng ngoại tệ khác cũng tăng lên khiến các nước này đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ.

Đối với giới đầu tư và các nước đang nắm giữ trái phiếu dài hạn chính phủ Mỹ, nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, thì các trái phiếu này sẽ mất giá nghiêm trọng, kéo theo giá trị tài sản của các bên nắm giữ thông qua trái phiếu Mỹ vì vậy cũng giảm theo. Ngoài ra, số tiền phải trả cho bảo hiểm vỡ nợ trái phiếu dài hạn chính phủ Mỹ hiện đang ở mức 0,34%, tăng gần gấp đôi so với mức 0,2% từ đầu năm, có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

(theo The Economist, FT)