📞

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Bên ngoài “sóng gió” nhưng ASEAN có một nơi “trú ẩn” an toàn

21:31 | 19/03/2019
Mặc dù còn khá nhiều thách thức trên con đường phát triển, Cộng đồng ASEAN, với sự đoàn kết và quyết tâm, sẽ là chỗ dựa cho Hiệp hội tiến về phía trước.

Đó là những chia sẻ của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại "Hội thảo quốc tế Cộng đồng ASEAN: Bản sắc và vai trò trung tâm" được tổ chức sáng ngày 19/3 tại Hà Nội.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (Ảnh: Tuấn Anh)

Những yếu tố “bất định” rung lắc mạnh

Theo Nguyên Phó Thủ tướng, nếu chúng ta nhìn vào cơ hội và thách thức của ASEAN thì cũng nên so sánh về thời điểm ASEAN hiện tại và trước đây. Có lẽ chúng ta đang ở thời điểm tương tự như sự chuyển tiếp của thế giới và khu vực đầu những năm 1990 khi thế giới hai cực mất đi và hình thành một trật tự thế giới mới. Kinh nghiệm cho thấy, ở những thời điểm chuyển tiếp đó, các nhân tố bất định phát sinh rất nhiều, rung lắc rất mạnh, do vậy, để đánh giá bất cứ điều gì chuẩn xác cũng rất khó.

Do vậy, Nguyên Phó thủ tướng cho rằng, chúng ta nên tiếp cận cơ hội và thách thức của bối cảnh thế giới tác động lên khu vực theo nhiều chiều khác nhau. Thực ra, cơ hội và thách thức luôn song hành, thậm chí còn chồng lấn lẫn nhau, trong cơ hội có thách thức và người lại. Nếu tách biệt cũng rất khó và có thể sẽ có những đánh giá không thật tròn trịa. Đối với ASEAN, ở thời điểm hiện tại, cơ hội và thách thức này tạm chia thành hai nhóm: Kinh tế và chính trị an ninh.

Các đại biểu tham gia Hội thảo quốc tế về ASEAN tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Về phát triển kinh tế, cơ hội của ASEAN tương đối rõ ràng. Trước tiên, trong nền kinh tế thế giới đang có chiều hướng suy giảm, kinh tế ASEAN là một “ốc đảo” tương đối thuận lợi cho ASEAN và từ đó, ASEAN trở thành lực hấp dẫn cho các đối tác bên ngoài. ASEAN và các nước thành viên đang tận dụng được những cơ hội này. Bên cạnh đó, khi chủ nghĩa đa phương và tự do hóa thương mại bị thách thức thì ASEAN lại là nơi mà xu thế tự do hóa thương mại có nền tảng vững chắc với việc ASEAN đã trở thành một cộng đồng kinh tế hội nhập nội bộ sâu, là đối tác trong nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn của thế giới. Ngoài ra, sự phát triển của kinh tế thế giới đang chịu tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều nước ASEAN, đặc biệt là các nước có trình độ phát triển cao như Singapore, đã nắm bắt và có những chủ trương, chính sách phù hợp. Chủ đề sáng tạo của nước Chủ tịch ASEAN năm 2018 (Singapore) cũng cho thấy ASEAN đã nắm bắt được xu hướng này và tiếp cận được phần nào.

Đề cấp tới thách thức trong kinh tế, đầu tiên, nhà ngoại giao kỳ cựu Vũ Khoan đề cập đến trình độ phát triển về chất trong ASEAN còn hạn chế so với các nước phát triển, đây là thách thức mang tính lâu dài. Tiếp đó là tính không ổn định của nền kinh tế thế giới. Hiện nay, chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng trong những năm tới vẫn không thể loại trừ khả năng này. Chúng ta chứng kiến lịch sử cho thấy cứ khoảng 10 năm lại có một cuộc khủng hoảng, những năm 1970 là cuộc khủng hoảng dầu lửa, năm 1987 lại có cuộc khủng hoảng do thị trường chứng khoán của Mỹ rung lắc, các nước đều phải chịu tác động; năm 1997, bản thân ASEAN có cuộc khủng hoảng khu vực; năm 2008 cũng có cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo ông Vũ Khoan, câu hỏi 10 năm tới có khủng hoảng hay không cũng là điều mà các nước phải lưu ý. Thách thức còn lại chính là chủ nghĩa bảo hộ đang bùng phát và chiến tranh thương mại diễn ra khó lường. Đây đang và sẽ là thách thức rất lớn đòi hỏi có một cách tiếp cận linh hoạt của ASEAN.

Cơ hội nhiều hơn thách thức

Nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, có lẽ khi bên ngoài “sóng gió” như vậy thì nơi “cư trú” của ASEAN chính là bản thân nội khối ASEAN với một cộng đồng 600 triệu dân. Do vậy, ASEAN phải nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng nội khối, thúc đẩy quá trình tự do hóa nội khối nhanh hơn. Hiện nay, hợp tác nội khối vẫn tương đối hạn chế.

Đặc biệt, với đặc trưng hội nhập sâu rộng, ở mức độ nào đó, ASEAN nên phát huy vai trò dẫn dắt trong thúc đẩy ngoại giao đa phương nói chung và liên kết kinh tế đa phương nói riêng, ủng hộ cho xu thế này. Song song với đó, ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa mô hình chuyển đổi phát triển, thích ứng với mô hình mới. Bởi lẽ, nếu theo mô hình cũ, lấy tài nguyên, lao rộng rẻ để làm kim chỉ nam phát triển thì thực sự không còn phù hợp nữa. Tài nguyên không còn nhiều, lao động “tuổi vàng” cũng cạn dần, biến đổi khí hậu khắc nghiệt, vì vậy, phát triển theo mô hình cũ sẽ rất khó khăn.

Về an ninh, ông Vũ Khoan nhấn mạnh, nếu so sánh thì có lẽ môi trường an ninh của ASEAN hiện nay tốt hơn rất nhiều so với môi trường an ninh của ASEAN trước đây. Các nước ASEAN cùng đi trên một “con thuyền” cùng là những “người anh em”.

“Chuyện các nước lớn can thiệp vào ASEAN cũng không phải là mới, nhưng bây giờ, thế của ASEAN so với các nước đã khác rất nhiều. Mỹ coi trọng ASEAN, Trung Quốc cũng như vậy, không phải ngẫu nhiên cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lại diễn ra ở ASEAN”, nguyên Phó Thủ tướng phân tích. Đối với Biển Đông, với thái độ tích cực của mình, ASEAN cũng có thể đóng góp được rất nhiều vào hòa bình, ổn định trên Biển Đông, ủng hộ luật Biển và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông (COC). Khả năng phát huy vai trò dẫn dắt của ASEAN rất lớn. Nhìn chung, theo nguyên Phó Thủ tướng, có thể khẳng định, hiện tại, cơ hội đối với ASEAN nhiều hơn thách thức.

Từ xuất phát điểm là một Hiệp hội với 5 thành viên ra đời trong bối cảnh chiến tranh Lạnh, ASEAN đã phát triển, mở rộng thành viên và trở thành một Cộng đồng của 10 quốc gia Đông Nam Á. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đang được các nước thành viên ASEAN tích cực thực hiện, đem lại những kết quả đáng ghi nhận và khích lệ, đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực Đông Nam Á cũng như của từng nước thành viên.