Nhà báo Việt Lâm, nhà báo Minh Nguyệt và nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại cuộc đối thoại trực tuyến (từ trái sang). Ảnh: Phạm Hải |
Trong bối cảnh thế giới như vậy, nhiều độc giả băn khoăn xu thế hòa bình và hợp tác có còn là xu thế nổi trội trong quan hệ quốc tế nữa không?
Tôi nghĩ thế này: Hòa bình, hợp tác vẫn là nguyện vọng thiết tha của nhân loại. Đó là chân lý vĩnh viễn. Chúng ta gọi “hòa bình và hợp tác” là một xu thế thì chỉ là cách gọi, nhưng tôi sợ cách gọi như vậy dễ lẫn lộn. Tất nhiên, trong thời đại ngày nay các nước không dễ gì gây chiến với nhau, nhất là thời đại hạt nhân như hiện nay, nước nào cũng dễ “sứt đầu mẻ trán”.
Tất cả các quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Hòa bình, hợp tác là khát vọng lớn lao của nhân loại, các nhà cầm quyền sẽ không dễ gì đi ngược lại xu thế đó. Các nước sẽ tính đến điều đó, nhưng họ lại muốn phát huy ảnh hưởng của mình để chi phối thế giới, làm cho sự cạnh tranh càng trở nên phức tạp.
Khi chủ quyền và lợi ích an ninh của Việt Nam bị thách thức, không ít tiếng nói cho rằng đường lối đối ngoại “là bạn với tất cả các nước” không còn phù hợp nữa bởi là bạn với tất cả tức là không có bạn đặc biệt, bạn thân nên khi xảy ra chuyện (khi lợi ích của quốc gia bị xâm phạm) không có ai thân cận đứng bên ta. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Thực ra tư tưởng này không phải mới xuất hiện từ thời Đổi mới, tư tưởng này đã được đề ra tại Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 nhưng nếu xem lại trước đó thì Bác Hồ đã nói từ năm 1947, khi đó Bác Hồ nói rằng Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không gây thù oán với ai. Thời kỳ đổi mới năm 1991, chẳng qua chúng ta nêu lại tư tưởng đó của Bác Hồ trong hoàn cảnh mới. Tư tưởng ấy thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, không muốn thù địch, gây oán với ai. Tuy nhiên, bạn có nhiều loại bạn, có bạn thân, bạn sơ, bạn xã giao, bạn gần, bạn xa, do vậy, trong mấy trăm quốc gia trên thế giới thì đối tượng bạn của Việt Nam là khác nhau. Mức độ tình bạn cũng không phải là tùy thuộc vào ta mà còn vào người mình muốn kết bạn, điều này cũng phải linh hoạt thôi.
Trong trường hợp mình gặp hoạn nạn, cái chính nghĩa của mình sẽ quyết định ai sẽ là bạn của mình. Cưu mang mình hay không là mình có chính nghĩa hay không. Khi mình có chính nghĩa, lợi ích của mình và bạn trùng hợp thì người ta sẽ đứng về phía mình. Còn nước nào phi nghĩa thì không có bạn. Rồi cuối cùng mình cũng phải tự cứu mình thôi chứ đừng ngồi chờ ai cưu mang mình. Tóm lại, tôi nghĩ rằng khẩu hiệu hòa hiếu đã ngấm vào máu của người Việt Nam và áp dụng trong điều kiện hiện nay thì chúng ta nên nhìn nhận nó một cách biện chứng, linh hoạt chứ không thể “vơ đũa cả nắm”.
Ông nói đường lối đối ngoại phải có tính chính nghĩa. Đối ngoại là cánh tay nối dài của đối nội. Bác Hồ cũng nói ngoại giao như tiếng chuông. Nếu thực lực yếu thì tất bị lấn lướt, chèn ép. Theo ông, bài toán đặt ra trong năm tới về việc nâng cao nội lực cụ thể ra sao?
Như tôi đã nói, nội lực là một khái niệm rất rộng chứ không bó hẹp trong nội hàm sức mạnh kinh tế, quốc phòng. Tuy nhiên, không có nghĩa là tôi không coi trọng hai nguồn sức mạnh này. Sức mạnh kinh tế thì chúng ta có tự chủ được hay không chủ yếu dựa vào sự phát triển hiệu quả của nền kinh tế. Nếu chúng ta không vươn lên trong kinh tế thì sẽ không thể vận dụng được những cơ hội khi đất nước hội nhập, mở cửa và tham gia vào những khu vực mậu dịch tự do thì chúng ta sẽ không tận dụng được. Do vậy, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là việc cần làm để nền kinh tế của chúng ta phát triển hiệu quả hơn, tạo một thực lực thực sự. Đó là việc chúng ta đang cố làm và chắc là còn phải làm rất nhiều.
Về quốc phòng, trong những năm gần đây chúng ta đã từng bước trang bị hiện đại, có những lĩnh vực chúng ta đã tương đối hiện đại. Tuy nhiên sự hiện đại này chủ yếu là dùng cho việc mua vũ khí, khí tài từ bên ngoài. Cái hiện đại mà chúng ta cần hơn nữa cho nội lực quốc phòng của chúng ta là yếu tố con người, để làm sao nguồn lực con người trong quốc phòng của chúng ta có tư tưởng vững vàng, phát huy truyền thống anh hùng, nắm vững kỹ thuật hiện đại.
Bên cạnh sức mạnh vật chất, tôi cũng muốn nhấn mạnh sức mạnh mềm. Không phải dân tộc nào cũng có, cũng hội tụ được nguồn sức mạnh mềm đó. Rất may cho dân tộc ta rằng, trải qua nhiều năm chiến đấu lâu dài đã tôi luyện lên nguồn sức mạnh mềm đó, Việt Nam đã trở thành một địa chỉ mà bên ngoài hướng đến, coi trọng và những sự kiện năm 2014 đã chứng minh sức mạnh đó không nhỏ. Chúng ta phải tự tin rằng chúng ta có sức mạnh và không phải là một nước yếu.
Trên bình diện ngoại giao đa phương, năm qua, người đứng đầu Chính phủ tuyên bố rằng Việt Nam đã sẵn sàng tham gia kiến tạo luật chơi khu vực. Rõ ràng, từ vị thế một người chấp nhận luật chơi (rule-taker) hiện hành đến tham gia kiến tạo luật chơi (rule-maker) đòi hỏi rất lớn về năng lực. Theo ông, Việt Nam đã đủ lực để tham gia kiến tạo luật chơi mới cho khu vực hay chưa?
Trước hết chúng ta phải thống nhất thế nào là luật chơi quốc tế. Luật chơi quốc tế chẳng qua là những nguyên tắc điều phối quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Nếu nói luật chơi là như thế thì Việt Nam góp phần kiến tạo luật chơi từ lâu rồi.
Bằng xương máu của mình, chúng ta đã xác lập được một nguyên tắc là các quốc gia phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Chúng ta đã góp phần vào luật chơi bằng xương bằng máu của mình, chứ không chỉ bằng những hội nghị, nghị quyết.
Ngay từ thời kỳ Đổi mới, chúng ta đã tích cực tham gia vào luật chơi quốc tế bằng việc gia nhập ASEAN. Tất cả luật chơi của ASEAN chúng ta đều đóng góp. Tất cả các sự kiện, diễn biến ở ASEAN hiện nay có một phần rất quan trọng bắt nguồn từ Tuyên bố Hà Nội tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 1998. Trong quá trình xây dựng Cộng đồng thì chúng ta cũng đóng góp rất nhiều.
Việt Nam cũng tham gia tích cực vào việc hình thành Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002, và hiện tại là việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, dự kiến sẽ được hình thành vào cuối năm 2015, với ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội.
Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc, Việt Nam cũng tham gia ngay từ ban đầu.
Tôi muốn khẳng định là, Việt Nam đã tham gia kiến tạo luật chơi quốc tế rồi, nhưng tham gia chưa đủ. Bây giờ, khi chúng ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, chúng ta cần phải tăng cường, tích cực tham gia hơn nữa vào các luật chơi. Ví dụ, ở WTO, chúng ta cần cố gắng chuyển sang “ghế chính”, không phải “ghế phụ” nữa, để tham gia luật chơi ở WTO.
Ông nhấn mạnh sức mạnh mềm của Việt Nam là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của người Việt Nam. Dư luận có ý kiến cho rằng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, người dân đã tin nhà nước, nhưng ở chiều ngược lại, có lẽ nhà nước cũng phải tin dân hơn. Qua quan sát của ông trong những câu chuyện của năm 2014, nó “thử lửa” bản lĩnh nhà nước lẫn lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Ông đã ở cả hai vị trí (cán bộ nhà nước và nhân dân), ông nghĩ thế nào về câu chuyện lòng tin từ hai phía?
Nếu không có lòng tin từ hai phía thì không có sức mạnh. Nhà nước không dựa vào dân thì không làm được gì. Dân mà không có nhà nước dẫn đường thì dễ lạc lối. Nhưng “cốt tử” ở đây là đồng lòng bảo vệ đất nước của nhà nước và nhân dân. Không có nhà nước nào, nhất là nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo lại đi ngược lại nguyện vọng của dân.
Còn trong điều hành đất nước, có nhiều cung bậc, hình thức cụ thể, không phải lúc nào cũng đều đem ra tham khảo ý kiến toàn dân đuợc. Người dân hãy tin Đảng và Nhà nước có trách nhiệm dựa vào ý chí của dân để chọn ra chính sách phù hợp. Đảng và Nhà nước cần có trách nhiệm và lòng mong muốn làm mọi cách tốt đẹp nhất bảo vệ lợi ích dân tộc. Nhân dân nên tin tưởng vào chính sách của nhà nước. Đảng và Nhà nước khi làm gì, hành động gì cũng phải xuất phát từ mong muốn của người dân chứ không có động cơ gì khác. Ở đây không có sự mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau. Tất nhiên có những việc làm chưa đúng làm cho nhân dân suy giảm niềm tin (quan liêu, tham nhũng…). Trong điều hành của nhà nước không thể lúc nào cũng hoàn toàn phù hợp, có những sự việc làm yếu lòng dân, yếu quốc gia… nhưng chắc chắn trong mọi hành động, khi dựa vào nguyên tắc “Nhà nước dựa vào dân, dân tin vào nhà nước” thì sẽ đạt được thành công.
Thưa ông, Việt Nam vừa phải bảo vệ chủ quyền lại vừa phải thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm giữ hòa hiếu, không tạo mâu thuẫn với cộng đồng quốc tế. Điều này có khó khăn gì cho chúng ta?
Trước tiên, tôi muốn làm rõ cách tiếp cận, thế nào là thành viên tích cực, tích cực ở đây được hiểu ở hai hàm ý. Thứ nhất là tích cực, năng động; thứ hai là ủng hộ cho những mặt xây dựng. Như vậy, khi nói chúng ta là thành viên tích cực là chúng ta tích cực, chủ động, năng động để bảo vệ cho những cái xây dựng.
Do đó, việc bảo vệ chủ quyền và giữ hòa hiếu với cộng đồng quốc tế không có mâu thuẫn. Không có dân tộc nào muốn mất chủ quyền, một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế cũng là để bảo vệ chủ quyền đó.
Theo tôi, thành viên tích cực là thành viên bảo vệ những vấn đề tích cực, có xây dựng, cái nguyên tắc của quan hệ quốc tế là tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cái gì phù hợp lợi ích thì lên tiếng tích cực, điều này không có trái gì với chuyện hòa hiếu.
Trong vấn đề an ninh nguồn nước thì tại sông Mekong hiện nay đang là vấn đề nóng trong khu vực. Vậy theo ông, Việt Nam nên theo cơ chế nào để có thể ứng phó được vấn đề này?
Vấn đề an ninh nguồn nước tồn tại trên thế giới lâu rồi. Tất cả các dân tộc đều sống trên một hành tinh. Dòng sông vốn không phân biệt biên giới quốc gia, biển cả, núi non cũng không phân biệt được biên giới quốc gia. Các dân tộc có thể nói tiếng nói khác nhau, chế độ chính trị khác nhau, kinh tế khác nhau nhưng đều sống trên một hành tinh.
Ví dụ sông Danuyp có Ủy ban sông Danuyp để điều hòa lợi ích của các nước ven sông, sông Rhine ở Đức, hay sông Hằng giữa Ấn Độ và Bangladesh… Tóm lại thể chế giữa các dòng sông chung đã có từ lâu. Sông Mekong cũng có Ủy ban điều hành từ rất sớm.
Tôi muốn nhấn mạnh tất cả tài sản trên hành tinh này là của chung. Tất cả dân tộc đều phải bảo vệ lợi ích chung, không thể ích kỷ. Nếu chỉ biết đến lợi ích của mình thì sẽ đưa ra những chính sách sai lầm đem lại hậu quả cho chính nước đó. Bài học của thế giới là như vậy.
Sông Mekong liên quan đến nhiều nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam, chúng ta phải chia sẻ lợi ích chung, làm cái gì cũng phải nghĩ đến các thành viên. Nếu chỉ nghĩ đế lợi ích vị kỷ quốc gia thì sẽ có sự đối phó lại từ các quốc gia khác dẫn đến tất cả chịu thiệt.
Vậy cơ chế gì đây? Hiện nay tôi thấy sông Mekong cũng đang tồn tại nhiều cơ chế, một cơ chế là hợp tác tiểu vùng, một số cơ chế hợp tác giữa Mỹ - các nước sông Mekong, Nhật Bản – các nước sông Mekong… Cơ chế nhiều nhưng nhìn chung phải thông hiểu, tôn trọng lợi ích của nhau, cần phải có thái độ xây dựng để bảo vệ chung khu vực sông Mekong. Như vậy, điều cơ bản là thiện chí hợp tác để bảo vệ lợi ích chung. Một thành viên chết, tất cả đều chết. Con cá nó có phân biệt được nước nào đâu. Đừng làm hành động gì khiến cho người dân không có cá mà ăn, không có cá thì người ta sẽ tìm cách phản ứng.
(còn tiếp)
Nguyên Bảo – Quang Chinh – Phạm Hằng (ghi)
Xin xem phần 1 tại đây