📞

Nhà đầu tư ASEAN hưởng lợi từ sự phát triển của Việt Nam

17:14 | 24/07/2015
Việt Nam, với sự tăng trưởng và hội nhập mạnh mẽ của mình, đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư thế giới. Trong sự chuyển mình tích cực đó có vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong khu vực. Tác giả Shiwen Yap đã có bài viết về vấn đề này trên DealStreetAsia, hôm 13/7.
Việt Nam đang là điểm đầu tư hấp dẫn thuộc ASEAN (Nguồn: AmCham Singapore)

Singapore - Nhà đầu tư ASEAN lớn nhất tại Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Trong nửa đầu năm 2015, Singapore là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của khu vực ASEAN vào Việt Nam.

Cũng theo cơ quan này, các nhà đầu tư ASEAN hiện có 2.632 dự án trị giá 54,6 tỷ USD tại Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM) hiện vẫn là điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI ASEAN trong nửa đầu năm 2015, với 1.144 dự án trị giá 15,07 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng FDI vào Việt Nam.

Sau Tp. HCM, Hà Nội (với 417 dự án trị giá 8,58 tỷ USD và 15,7% tổng vốn đầu tư) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (67 dự án, 6,19 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng đầu tư) là những tỉnh nhận được dòng vốn lớn tiếp theo từ các nhà đầu tư trong khu vực.

Theo FIA, nửa đầu năm 2015, có khoảng 1.428 dự án FDI với tổng trị giá trị là 32,2 tỷ USD, trong đó các dự án đầu tư của Singapore chiếm 54,25% tổng số lượng và 60,8% số vốn đăng ký của các nhà đầu tư ASEAN, tính đến cuối tháng 6/2015. Malaysia đứng thứ hai, với 499 dự án trị giá 12,06 tỷ USD, chiếm 19% tổng số dự án và 22,1% vốn đầu tư. Tiếp theo là Thái Lan, với 392 dự án trị giá 6,8 tỷ, chiếm 15% dự án và 12,5% vốn đăng ký.

Các nguồn đầu tư khác đến từ Brunei, Indonesia, Philippines, Lào, và Campuchia. Đầu tư của các nước ASEAN vào các ngành sản xuất và chế biến là 1.009 dự án, trị giá 22,2 tỷ USD, chiếm 40,8% tổng vốn đầu tư cho đến nay.

Trung bình, mỗi dự án của nhà đầu tư ASEAN trị giá khoảng 20,7 triệu USD, quy mô lớn hơn 48,9% so với các dự án đầu tư nước ngoài khác. Các nhà đầu tư ASEAN đã đầu tư vào 55/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, tập trung vào các thành phố lớn có cơ sở hạ tầng tốt.

Sự trỗi dậy của Việt Nam

Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2015-2020. Nguồn FDI tăng mạnh năm 2014 đã giúp thúc đẩy tăng trưởng lên khoảng 6%. Lạm phát đã giảm bớt và các nguồn tiền lớn từ bên ngoài cho phép Việt Nam xây dựng lại nguồn dự trữ ngoại hối.

Theo bài viết, năm 2015 và 2016, Việt Nam được dự báo tăng trưởng cao hơn, ngay cả khi lạm phát vẫn còn tương đối thấp, Việt Nam vẫn đang trải qua những thách thức quan trọng về chính sách. Đó là các yêu cầu về cải cách ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước, cũng như giúp các công ty trong nước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các quốc gia ASEAN hiện đang chuyển mình và đang tìm cách hội nhập kinh tế dưới hình thức Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay. Khi Trung Quốc phát triển lên chuỗi giá trị kinh tế cao hơn, nhiều quốc gia ASEAN mong rằng, tiếp sau Trung Quốc, họ sẽ trở thành những nền kinh tế có định hướng xuất khẩu với chi phí thấp ra thế giới, đặc biệt là sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao.

Việt Nam là một trong số các quốc gia được dự kiến sẽ thay thế Trung Quốc và họ đang cho thấy tiềm năng này là rất lớn, bởi sự gia tăng của đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như sản xuất, cơ sở hạ tầng, hậu cần và vận tải. Indonesia, Campuchia, Philippines, Lào và Myanmar là những nước cũng được hưởng lợi từ sự thay đổi này. Các nhà đầu tư Malaysia và Singapore dường như có ý định sẽ “cưỡi sóng” sớm và gặt hái những lợi ích khi mà Việt Nam sẽ nổi lên như là một trong những cường quốc sản xuất của thế kỷ 21.

Hạ Nhi (lược dịch)