TS Phạm Sỹ Liêm |
"Bây giờ nhìn lại, phải thừa nhận rằng ý tưởng thì tốt nhưng đã thất bại. Mà thất bại không chỉ ở Việt Nam, tất cả những nước thực hiện làm nhà ở bao cấp đều thất bại như Nga, Trung Quốc... Vì thế, trong Chiến lược toàn cầu về chỗ ở, Liên hiệp quốc đã khuyên thay thế chính sách đó bằng chính sách tạo điều kiện cho thị trường phục vụ, chứ không phải Nhà nước làm thay cho thị trường" - ông Liêm khẳng định.
Đừng để lại phát sinh những "chuồng cọp" mới!
Thưa ông, không thể ngăn được sự do dự, phân vân từ phía người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp, chỉ được mua và cũng chỉ có thể mua nhà một lần duy nhất - trước chất lượng của những căn hộ giá thấp. Ông thấy đấy, chung cư cao cấp còn đầy rẫy vấn đề về chất lượng và vận hành...
TS Phạm Sỹ Liêm: - Đúng vậy! Hiện nay, có một ví dụ về việc Nhà nước đang làm thay thị trường là xây nhà tái định cư, không những Nhà nước bỏ tiền xây mà còn giao cho các công ty của Nhà nước xây (hầu như chẳng tuyển chọn gì), sau đó phân phối cho những người mà Nhà nước cho rằng cần tái định cư. Nghĩa là, những nhà tái định cư này xây xong dù chất lượng có không ra sao vẫn sẽ có người tiêu thụ.
Những nhà tái định cư này nhìn bên ngoài nước sơn có vẻ tươi mới lắm nhưng vào ở mới thấy đủ các nhược điểm, nói chung là chất lượng kém. Cái này báo chí, nhân dân đã, đang phản ánh rất nhiều. Thế nhưng, còn một điều nguy hiểm hơn nhưng hiện nay chưa bộc lộ rõ ràng - là những nhà đó ai quản lý, tiền đâu mà quản lý?!
Thế thì nhà mới sẽ sớm bị bỏ đấy, chỉ dăm năm nữa lại bệ rạc: nước ai bơm? bơm hỏng ai sửa? ... lúc bấy giờ những tiếng kêu, than sẽ còn ghê gớm hơn rất nhiều!!!
Cái này đều thấy trước được cả nhưng hiện nay nó chưa đến, vẫn đang cầm cự được: thang máy chưa hỏng, máy bơm chưa phải sửa... nên vẫn chưa trở thành bức xúc.
Nhà giá rẻ bây giờ không khéo lại là nhân những nhà tái định cư đó lên! Bởi lẽ, nhà xã hội hiện giờ cũng là Nhà nước đầu tư, thậm chí để nhanh người ta còn chỉ định thầu. Chỉ khác nhà tái định cư ở điểm không chỉ định người vào ở, nhưng rõ ràng với những người được ở dù thế nào vẫn tốt hơn cái lều cũ của họ (ít nhất cũng rộng hơn và rẻ hơn) nên sẽ chen nhau xin vào sống trong nhà xã hội. Chắc chắn, nhà xã hội xây có xấu, có kém vẫn có người ở - chỉ có điều, sau khi được ở một thời gian rồi họ sẽ kêu toáng lên sao nhà chán thế!?
Đó là mới nói đến vấn đề chất lượng - cái mà người mua nhà sẽ tiếp nhận đầu tiên. Nhưng còn vấn đề quan trọng nữa là việc quản lý, duy tu các khu nhà giá thấp ra sao - đây mới là vấn đề theo người mua suốt cả cuộc đời?
Tôi e rằng rất đông trong số những người được ở trong các khu nhà xã hội ấy sẽ có tâm lý "mình nhà nghèo" nên không bỏ tiền ra đóng góp để duy tu, quản lý. Nhà nước thì cho rằng không bao cấp nên cũng không chi. Cuối cùng, nghe đâu Bộ Xây dựng có giải pháp coi những công ty quản lý các nhà xã hội này là công ty công ích, tức không kinh doanh theo thị trường - như các công ty đang quản lý các khu tập thể Giảng Võ, Trung Tự cũ...
Những khu tập thể cũ vẫn có công ty Nhà nước quản lý cả đấy chứ, nhưng tại sao nó tồi thế (nhà đeo ba-lô, chuồng cọp, cơi nới...) - là vì không đủ tiền sửa nhà (tiền Nhà nước cho chỉ đủ nuôi bộ máy quản lý đó thôi)! Thế nên xuống cấp là hiển nhiên! Đây là điều rất đáng lo ngại.
Tôi đã trải qua tất cả những việc này, tôi chính là thủ phạm nhưng tôi cũng được phân phối một căn hộ như thế để ở nên tôi cũng là nạn nhân. Tôi hiểu tất cả nhưng đoán rằng hiện nay nhiều trong số những người làm chính sách không thể hiểu chuyện đó, vì một lẽ họ chưa phải ở loại nhà ấy mà cũng chưa tham gia xây dựng chính sách nhà ở thời bao cấp ấy! Nhà xã hội hiện nay khi làm cần đề phòng quay trở lại kiểu như nhà bao cấp thời xưa.
Khi tôi lên Bộ Xây dựng, một trong những việc đầu tiên tôi tiến hành là đề nghị Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ xóa nhà bao cấp...
Cuối cùng đã xóa được?
Xóa được, nhưng đáng nhẽ ra phải có chính sách thay thế ngay, là chính sách "tạo điều kiện" (như đã nói ở trên). Song, sau đó chúng ta chỉ có mỗi động tác đưa tiền nhà ở vào lương, và bán nhà sở hữu Nhà nước cho dân - thế thôi! Mặc dù chúng tôi thời gian đó đã soạn thảo xong chính sách thay thế.
Gần đây, mãi đến 2005, chính sách nhà ở xã hội mới được nhắc lại. Tuy nhiên, thế hệ chúng tôi đã nghỉ hưu nên cũng không ai hỏi đến các chiến lược nhà ở mà chúng tôi đã soạn thảo nữa...
Như vậy, chúng ta đã xóa bỏ nhà bao cấp từ đầu những năm 90 nhưng 15 năm sau mới nghĩ đến chính sách thay thế thì quả hơi muộn! Đây là vấn đề quan trọng, cần những suy nghĩ và cách nhìn toàn diện, không thể hấp tấp được đâu! Có ngay nhà nhanh thì rất tốt để đáp ứng nhu cầu, nhưng rất dễ vấp váp! Hiện tôi theo dõi thấy nhiều ý tưởng được đưa ra, rất đáng hoan nghênh, nhưng xem chừng cũng chưa chín chắn lắm!!!
Vậy theo ông thế nào là chín chắn?
Theo tôi, tài chính nhà ở là vấn đề rất quyết định. Rõ ràng rất nhiều người ít tiền cần nhà ở, nhưng tại sao thị trường không để ý đến, mà chỉ lo làm nhà ở giá cao thôi? Đó là vì nhu cầu kia không được đảm bảo bằng tiền, nói thẳng ra là những người kia không có khả năng trả tiền.
Xóa bao cấp tức là phải dùng thị trường. Muốn thị trường để ý đến nhu cầu những người cần nhà không cao cấp lắm này thì phải tăng năng lực, khả năng thanh toán của những người có nhu cầu này. Vậy thì Chính phủ phải giúp họ trong vấn đề tài chính nhà ở.
Vấn đề không phải chỉ là "cắt ra một mẩu"!
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo trong đó đề xuất: Các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới qui mô từ 5ha trở lên phải đảm bảo dành tối thiểu 10% quỹ đất ở để xây nhà giá thấp. Ý kiến của ông về việc này?
Vấn đề không phải chỉ là cắt ra một mẩu. Chính sách nhà ở phải rất hoàn chỉnh chứ không đơn giản. Ví dụ: chủ đầu tư xây nhà giá rẻ thật, nhưng cuối cùng ai vào ở? Hay lại mấy ông lắm tiền vào ôm 2, 3 căn rồi tân trang lại thì còn hơn cả giá cao! Tôi biết có một chỗ người ta tuyên bố nhà giá rẻ nhưng rồi chẳng có ai ít tiền mua được cả, toàn người nhiều tiền thậm chí có thế lực mua. Mỗi căn chỉ 50m2 nhưng họ mua 3 căn liền nhau, đánh thông ra thành 150m2, rồi mua vật liệu đắt tiền về tân trang... thành ra có một căn hộ sang trọng mà rẻ!!!
Cần thấy rằng, nhà giá thấp thì người nghèo cũng không mua nổi, nên Nhà nước cần có trợ cấp để nâng cao khả năng thanh toán, chi trả của họ. Nếu chính sách đó không có mà chỉ làm nhà giá thấp thì cuối cùng vẫn lại rơi vào tay những người thu nhập cao!
Tóm lại, việc cắt đất trong các khu khu đô thị cần đi kèm các chính sách nhà ở hoàn chỉnh, để không tạo thêm cơ hội cho người nọ "chui" dưới danh nghĩa người kia hòng có được các căn hộ rẻ "bèo" tại nơi hạ tầng đồng bộ, đạt tiêu chuẩn...
Tức là khi người ít tiền sống trên mảnh đất bằng 1/10 mảnh đất của người nhiều tiền trong cùng một khu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề?
Theo tôi, điều đó cũng có mặt tốt vì nếu trong một khu đô thị có nhiều tầng lớp người ở sẽ không bị tách biệt nhau, sẽ hòa nhập hơn, hiểu nhau hơn, trẻ em cũng được hưởng phúc lợi công bằng với nhau hơn... Gần gũi nhau mới có cơ hội để người nghèo "thành hôn" với người giàu, nên dân gian chẳng vẫn nói "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời"!
Nhưng rồi: tiền thu gom rác trong cùng một khu mức phí của khoảnh 10% này có khác mức phí 90% kia, hay người ít tiền cũng phải đóng phí bằng người nhiều tiền? nhà giá rẻ thì nước thải cũng chảy vào hạ tầng chung của khu, vậy thì thu phí thế nào, hay chỉ thu của 90% kia còn những người sống trên 10% này được miễn?
Bên 10% của người thu nhập thấp có được trồng cây, tỉa hoa không hay chỉ trồng bên 90%? Thế nếu những người thu nhập thấp đóng góp ít hơn những người kia hoặc không đóng góp thì liệu khu nhà của họ có được chăm chút, giữ gìn an ninh, vệ sinh... như những nhà khác cùng khu hay không?... rất nhiều vấn đề mà tôi nghĩ rằng hãy để thị trường làm, Nhà nước chỉ nên tạo điều kiện.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường không "ham" vấn đề mang tính xã hội, nhân đạo này...
Sao lại không ham? Thế tại nhiều nước sao người ta ham? Cứ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ lãi là sẽ ham ngay! Ví dụ: Xây nhà giá cao có thể được lợi nhuận khá nhưng cũng rất rủi ro, lúc lên lúc xuống, lúc nóng rẫy lúc đóng băng... nhưng với loại nhà ở được Nhà nước hỗ trợ như vậy thì đảm bảo xây xong sẽ tiêu thụ được, vì Nhà nước đảm bảo cho người mua có khả năng thanh toán.
Rõ ràng, kinh doanh nhà giá thấp là rất ổn định, vì nhu cầu này lớn và thường xuyên. Tuy nhiên, để những căn hộ "đậu" được đúng đối tượng người thu nhập thấp, cái quan trọng nhất vẫn phải là sự đồng bộ và hoàn chỉnh về chính sách, chứ không phải chỉ là cắt ra một mẩu đất hay xây xong một khu nhà.
Theo VietNamNet