Lãnh đạo Bộ Ngoại giao chụp ảnh với các đại biểu nhí tham gia Trại hè "Con yêu ngành Ngoại giao" lần thứ 5 tại trụ sở Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Quang Hòa) |
Trại hè do Ban Nữ công quần chúng - Công đoàn Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long tổ chức, cùng sự tham gia của Đoàn Thanh niên Học viện Ngoại giao.
Với chủ đề "Nhà ngoại giao nhí với di sản Hoàng thành Thăng Long", sự kiện năm nay thu hút sự tham gia của hơn 450 cháu thiếu nhi là con em của các công chức, viên chức và người lao động của tất cả các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao.
Đây là hoạt động thường niên do Phu nhân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Vũ Thị Bích Ngọc bảo trợ, nhằm khuyến khích con em trong ngành tìm hiểu, thêm yêu ngành nghề, công việc và sự đóng góp hàng ngày của bố mẹ, đồng thời tạo sân chơi giao lưu bổ ích, gắn kết giữa các thế hệ, gia đình Ngoại giao, thể hiện sự quan tâm thiết thực của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đối với công chức, viên chức và người lao động của ngành, cũng như với các gia đình - hậu phương vững chắc của các nhà ngoại giao.
Phu nhân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Vũ Thị Bích Ngọc (hàng đầu, giữa) cùng các đại biểu làm lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên. (Ảnh: Quang Hòa) |
Sau hoạt động giao lưu, làm quen, kết nối và chụp ảnh lưu niệm cùng các Lãnh đạo Bộ, Trợ lý Bộ trưởng tại trụ sở Bộ Ngoại giao - Tòa nhà trăm mái đã được trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, các nhà ngoại giao nhí cùng đến khám phá di sản Hoàng thành Thăng Long, tìm hiểu về công tác ngoại giao văn hóa - một trong bốn trụ cột của ngành Ngoại giao.
Mở đầu là những trải nghiệm qua đoạn phim tư liệu về quá trình hình thành và những dấu ấn đặc biệt của kinh thành Thăng Long qua dòng thời gian lịch sử, lắng nghe các cô chú ở Ban quản lý di tích thuyết minh về quá trình phục dựng hình ảnh 3D của Hoàng thành, tham gia Chương trình Giáo dục di sản để tìm hiểu về những nét đẹp văn hoá truyền thống của Hoàng thành Thăng Long.
Phu nhân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Vũ Thị Bích Ngọc tặng hoa ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc và lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Quang Hòa) |
Tại Điện Kính Thiên, các nhà ngoại giao nhí cùng tự hào hát vang Quốc ca, thực hiện nghi lễ dâng văn và dâng hương trước anh linh 52 vị Tiên Đế tiền Triều. Chúc văn tế hào hùng khơi gợi niềm tự hào, tự tôn dân tộc, sự trang nghiêm với tấm lòng thành kính tạo nên những trải nghiệm vô cùng đặc biệt đối với các bạn nhỏ tham gia Trại Hè.
Lễ dâng hương và nghe chúc văn tế hào hùng khơi gợi niềm tự hào, tự tôn dân tộc. (Ảnh: Quang Hòa) |
Trong khuôn khổ chương trình, các nhà ngoại giao nhí cũng được tham quan Cổng thành Đoan Môn; Đường đèn lồng; Bảo tàng trưng bày các hiện vật sau quá trình khảo cổ đã khai quật được từ thời Lý, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng...; Triển lãm Thành Hà Nội – Dấu ấn một thời - không gian lưu giữ nhiều tư liệu mộc bản qua các triều đại, từ thuở sơ khai đến triều đại nhà Nguyễn, nét độc đáo của tinh hoa văn hoá, tạo nên quốc hồn, quốc tuý dân tộc; Hầm chỉ huy tác chiến Bộ tham mưu và Khu di tích Cách mạng nhà D67, nơi trước kia là địa điểm công tác, bàn bạc việc nước, việc quân của các anh hùng hào kiệt một thời.
Tìm hiểu Khu di tích Cách mạng nhà D67 - một trong những công trình kiến trúc quân sự ít ỏi trong kháng chiến chống Mỹ còn tương đối nguyên vẹn. (Ảnh: Quang Hòa) |
Sau các hoạt động tham quan - khám phá, các bạn nhỏ cùng nhau chơi các trò chơi dân gian tại khu vực Hậu Lâu: tô tranh dân gian, làm quạt giấy... theo chủ đề Em yêu di sản Hoàng thành Thăng Long. Bên cạnh đó, các em còn được tham gia trải nghiệm các hoạt động ngoài trời như kéo co, múa sạp; xem biểu diễn ảo thuật…
Trải nghiệm làm quạt giấy tại khu vực Hậu Lâu. (Ảnh: Quang Hòa) |
Kể từ lần đầu tiên được tổ chức năm 2018, Trại hè “Con yêu ngành Ngoại giao” luôn nhận được sự hưởng ứng của các gia đình trong ngành Ngoại giao. Thông qua các hoạt động của chương trình Trại hè, Ban Nữ công quần chúng và Công đoàn Bộ Ngoại giao mong muốn tạo động lực để các con em cán bộ ngoại giao sẽ tiếp nối truyền thống của gia đình, trở thành những công dân ưu tú, có thể là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, hiện đại, tiếp tục nỗ lực đóng góp của các thế hệ cán bộ ngoại giao đi trước, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường và giàu mạnh, viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành Ngoại giao.
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Việt Nam; là công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn gắn liền với lịch sử kinh thành Thăng Long, Hà Nội. Vào lúc 20h30 ngày 31/7/2010 (giờ địa phương) tại Brazil, tức 6h30 ngày 1/8/2010 (giờ Việt Nam), tại Kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, trở thành di sản thứ 900 của thế giới. Các giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO ghi nhận ở chiều dài lịch sử, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú đã đưa Hoàng Thành - Thăng Long trở thành niềm tự hào của mọi người dân đất Việt. Kể từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến nay, công tác tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long đã luôn được chú trọng với phương châm ưu tiên mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản bền vững. |
Một số hình ảnh tại Trại hè "Con yêu ngành Ngoại giao" lần thứ 5:
Phu nhân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Vũ Thị Bích Ngọc cùng Ban giám đốc Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, lãnh đạo Ban Nữ công quần chúng - Công đoàn Bộ Ngoại giao và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chụp ảnh cùng các đại biểu nhí tại Điện Kính Thiên. (Ảnh: Quang Hòa) |
Các cán bộ, nhân viên có thể xem ảnh con em mình TẠI ĐÂY