Ông Tô Hoài Nam (thứ hai từ phải), ông Phạm Ngọc Long (ngoài cùng bên trái) và các diễn giả tham gia Tọa đàm. |
Tình trạng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải ngừng hoạt động, hoặc gặp khó khăn do bất cập trong tiếp cận nguồn vốn đang khá phổ biến. Vốn là một yếu tố cốt lõi đảm bảo sự tồn vong và phát triển doanh nghiệp nhưng hiện nay chỉ có 30% DNNVV tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao.
Đó là thông tin từ ông K.Balasingam - Tổng Giám đốc Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính BTCI tại Hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV trong bối cảnh Việt Nam gia nhập AEC 2015” do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính BTCI và Trung tâm Pháp Việt đào tạo về quản lý CFVG tổ chức hôm 18/11.
Doanh nghiệp thờ ơ?
Cứ hình dung rằng Việt Nam đang đứng trước “cơn bão” của những cơ hội và thách thức lớn. Những FTA thế hệ mới như RCEP, TPP, AEC... khiến các nhà nghiên cứu vĩ mô, những chuyên gia kinh tế, nhà làm chính sách “đứng ngồi không yên” khi họ đã đưa ra muôn vàn nghiên cứu, và cả chính sách, để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện nội lực, tăng cường khả năng cạnh tranh, khả năng tiếp cận mà khối DNNVV vẫn yếu kém. Theo số liệu của Viện Khoa học Quản trị DNNVV (SISME), mặc dù chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế, trong đó, doanh nghiệp vừa chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 29,6%, còn lại 56,7% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Tình trạng yếu kém về mọi mặt lại khó khăn về vốn khiến doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa phổ biến hơn bao giờ hết.
Nhà nước thì “sốt ruột” thúc đẩy đưa ra nhiều chính sách như Gói hỗ trợ, Quỹ đầu tư, giảm lãi suất, chính sách mở... Nhiều biện pháp tháo gỡ như vậy nhưng dường như có rất ít những thay đổi theo chiều hướng tích cực từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV. Có chuyên gia cho rằng những doanh nghiệp này chủ quan, coi thường thách thức, chuyên gia khác lại cho rằng doanh nghiệp thờ ơ, bàng quan với thời cuộc.
TS. Phạm Ngọc Long, Viện trưởng SISME, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DNNVV cho biết trong khảo sát của Viện ông, có doanh nghiệp nói rằng họ chẳng cần gói hỗ trợ, cũng chẳng cần đến chính sách hỗ trợ của Ngân hàng hay Quỹ đầu tư này nọ vì thủ tục đánh giá và điều kiện khó khăn mà họ không thể đáp ứng được.
Phải nghe anh Nguyễn Long Hải, chủ doanh nghiệp sản xuất bo mạch điện tử ở Hà Nội và một số doanh nghiệp khác chia sẻ trong Tọa đàm mới thấy, việc tiếp cận được với những hỗ trợ của nhà nước, đáp ứng điều kiện của ngân hàng khó như thế nào. Và tâm lý “thất vọng” về sự hỗ trợ bởi những chính sách... ở trên trời, trong khi doanh nghiệp thì vẫn lóp ngóp tự bơi ở phía dưới khiến cho anh và nhiều doanh nghiệp có tâm lý “hững hờ” với những hỗ trợ từ phía nhà nước, thay vào đó họ liên kết với nhau để tự cứu mình. Những trăn trở của anh cũng là của nhiều doanh nghiệp đồng thời là câu hỏi lớn của những người tâm huyết ở Hiệp hội DNNVV Việt Nam làm sao để vừa đứng về phía doanh nghiệp và nói lên tiếng nói của họ với Chính phủ, lại vừa chuyển tải cho doanh nghiệp hiểu những nỗ lực cả vĩ mô và vi mô từ phía Nhà nước để tìm ra tiếng nói chung cho hai phía.
Quyết tâm gần nhau hơn
Rõ ràng, DNNVV không hề thờ ơ, họ đang tự chuẩn bị, tự củng cố nội lực cho mình. Nhưng cách làm của doanh nghiệp và của nhà nước như hai đường thẳng, tưởng như tiệm tiến đến với nhau nhưng hóa ra là song song, không hề có giao điểm. Bởi vậy, mặc dù cầu có, cung có nhưng chưa thể khớp vào nhau. Ngân hàng, quỹ, gói hỗ trợ thì ứ đọng vốn. Doanh nghiệp thì khát vốn và lung lay niềm tin vào chính sách.
Hiểu được nỗi khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời lại là một trong những người nắm giữ vị trí cốt cán trong Hiệp hội DNNVV Việt Nam, sắp tới lại là một trong năm thành viên lãnh đạo của Quỹ Phát triển DNNVV, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV cũng chia sẻ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam thời gian tới sẽ rất nhiều. Vì vậy, DNNVV Việt Nam hãy hành động quyết liệt để tiếp cận, bám sát nguồn vốn nhằm đạt được mục đích cuối cùng. Ông Phạm Ngọc Long thì khẳng định: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hệ thống ngân hàng.
Có thể thấy, đến thời điểm này, doanh nghiệp Việt Nam đã không còn thời gian để chuẩn bị nữa nhưng không có nghĩa để thời cuộc đẩy đưa. Cần hiểu rằng thị trường nội địa vẫn còn rất rộng để đầu tư và phát triển. Nhưng vấn đề hiện không còn nằm ở chủ trương chính sách của nhà nước, cũng không phải nằm ở sự trì trệ của doanh nghiệp mà ở cách làm và sự quyết tâm.
Hơn nữa, về phía các cơ quan nhà nước, nên chăng cần khẩn trương trong việc điều chỉnh chính sách để gần DNNVV hơn, lấy lại niềm tin nơi họ bằng sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực và nhanh chóng chứ không chỉ đưa ra các gói trợ giúp nhưng thủ tục triển khai thì xa vời. Khối DNNVV cần cải thiện “sức khỏe” một cách đúng hướng để tham gia vào những cuộc chơi quốc tế mà sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt là sự kiện AEC 2015 trước mắt.
Liên quan đến thông tin các hỗ trợ cho DNNVV tại Việt Nam, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết: Hiện nay, việc doanh nghiệp vay tiền không có tài sản đảm bảo không còn khó vì ngân hàng đang cần cho vay tiền, pháp luật lại rất mở, có rất nhiều quỹ có thể hỗ trợ được các DN vay vốn giá rẻ thậm chí còn được tài trợ thêm tiền nếu doanh nghiệp hoạt động tốt. Các Quỹ này hiện đang nằm ở Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Quỹ phát triển DNNVV), Bộ Khoa học Công nghệ (Tổng Cục Tiêu chuẩn). Cuối năm nay, Quỹ phát triển DNNVV sẽ được triển khai. Quỹ này dành cho tất cả các DNNVV vay với lãi suất bằng 90% lãi suất bình thường và có thể thấp hơn trong thời gian từ 7-10 năm. Tổng quỹ là 3.000 tỷ đồng do một Hội đồng quản lý gồm có một thành viên Hiệp hội DNNVV và bốn thành viên là doanh nghiệp nhà nước. Điểm đặc biệt của quỹ là không quan tâm nhiều tới tài sản đảm bảo mà chú trọng tới phương án kinh doanh. “Không có tài sản đảm bảo, nhưng nếu có phương án kinh doanh khả thi, các DNNVV hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng cũng như các quỹ đầu tư”, ông Nam khẳng định.
Đông Nhi