Một chiếc ba lô với những vật dụng thiết yếu, một chiếc xe Min "khù khờ" đầy xăng, với Nguyễn Thị Nhung, thế là đủ để bắt đầu một chuyến "thám hiểm". Vóc dáng mảnh dẻ, nhưng Nhung vẫn làm những việc mà những ông Tây ba lô, hay chí ít là những nhà dân tộc học "vai 5 tấc rộng" thường làm: lặn lội đến những vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu, để nghiên cứu đời sống bà con dân tộc thiểu số. Tất cả được giải thích bằng hai chữ: Đam mê.
Nhung tha lôi đủ thứ về đời sống các dân tộc thiểu số: những chiếc lưỡi hái, những bức tranh thờ, thẻ lịch, những chiếc kiếm của các thầy mo, thầy tào..., chúng được trưng bày trong 7 phòng theo các chủ đề tại nhà trưng bày "54 Traditions" trên phố Hàng Bún. Một phần nhỏ trong số đó được chị giới thiệu trong triển lãm "Tranh thờ Hàng Trống sưu tầm tại miền núi phía Bắc Việt Nam" (tổ chức đầu năm 2006, với gần 400 bức tranh) cùng với người cộng sự nổi tiếng: Bác sỹ, nhà sưu tập người Mỹ Mark Rapoport. Sinh năm 1978, quá trẻ để là chủ nhân một bộ sưu tập lớn, nhưng đó chưa phải là tất cả: Nhung còn "sống được" bằng chính thu nhập từ thú sưu tập của mình...
Có người học dân tộc học để rồi trở thành một... kế toán cho công ty nước ngoài. Còn chị, học tiếng Pháp, nhưng đang làm công việc như của một nhà dân tộc học...
Có lẽ cuộc đời sẽ đi theo hướng khác nếu khi ra trường mình... xin được việc làm. Mình học tiếng Pháp, sau khi ra trường năm 2000, mình chỉ mong mỗi một điều có việc làm. Trong lúc chưa xin được việc, mình mày mò đi chơi xa, đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Người ta vẫn nói đi lên vùng dân tộc, dễ bị "chài". Cuộc sống của đồng bào quả thực đã "chài" mình! Vừa sưu tập, mình vừa nghiên cứu về đời sống đồng bào.
Khi làm vậy chị có biết đến một nghịch lý mà nhiều người thường băn khoăn: Bộ sưu tập của các sưu tập gia dày lên thường đồng nghĩa với các hiện vật trong đời sống đồng bào nghèo đi?
Tất nhiên mình biết. Mình sống với bà con dân tộc rất nhiều, mình tôn trọng đời sống của họ, nhất là những hiện vật liên quan đến tín ngưỡng.
Mình chỉ mua những gì trôi nổi trên thị trường, cái thị trường có lẽ đã tồn tại từ khi mình chưa sinh ra. Bạn biết đấy, nếu mình không mua, không biết những hiện vật đó sẽ về đâu, có thể nó sẽ đến những nơi không biết trân trọng những giá trị. Cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số đang đổi thay rất nhiều, nhiều đồ dùng truyền thống không được sử dụng nữa. Khi đó, sưu tầm, gìn giữ nó là cần thiết.
Có lúc nào chị cảm thấy việc tìm hiểu về các dân tộc là quá sức mình?
Đó là cảm giác thường xuyên, vì các dân tộc Việt Nam phong phú, đời sống mỗi dân tộc lại càng phong phú. Nhưng mình nhận ra rằng, người ta không nên tham quá, một người đang bơi ở biển sẽ chết đuối, nếu hướng nào anh ta cũng muốn tới…
Chị đã làm thế nào để không bị “chết đuối” như vậy?
Ngày mới bắt đầu, mỗi chuyến đi, thấy cái gì hay, mình đều lao vào tìm hiểu. Khi đi cùng mình, bác Phạm Ngọc Khuê (PGS Phạm Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu mỹ thuật) thấy vậy đã khuyên mình nên tìm một hướng đi riêng. Thú thực, mình cũng suýt chết đuối nếu không nghe theo lời khuyên của các bác!
Nhưng mình cũng "lợi" rất nhiều từ cái tham lam, đó là phông kiến thức về đời sống, phong tục các dân tộc Việt Nam. Hiện giờ, mình đang viết một cuốn sách về sinh hoạt tín ngưỡng các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Dìu.
Không được đào tạo cơ bản về dân tộc học, chị có gặp khó khăn nhiều lắm trên con đường nghiên cứu?
Có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà dân tộc học đã giúp đỡ mình trên con đường nghiên cứu. Bà con các dân tộc thiểu số cũng là những người thày của mình. Bù lại, mình chỉ còn cách làm việc nhiều hơn. Người ta làm 8 tiếng, còn mình là 12, 13 tiếng.
Hình như chị có ý định tặng Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Mỹ thuật một số hiện vật sưu tầm được?
Vâng, đó là cách để mọi người có thể cảm nhận về cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong điều kiện bảo quản tốt hơn.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Chí Dũng (thực hiện)