Nhạc sĩ Hồng Đăng - tác giả ca khúc Hoa sữa qua đời sáng nay. |
Thanh Lam hát ca khúc Hoa sữa lần đầu khi còn rất trẻ, lúc đó tôi mới 28 tuổi. Là một người con của Hà Nội, tôi nhớ và yêu lắm con đường Quang Trung với hình dung mỗi đêm mùa thu đi hát về lại thoang thoảng mùi hương hoa sữa.
Đường phố vắng lặng, tôi cảm nhận được sự sâu sắc trong những ca từ của tác phẩm Hoa sữa mà nhạc sĩ Hồng Đăng viết nên. Ca khúc rất hay và đầy hoài niệm.
Thanh Lam, Tùng Dương tiết lộ điều ít biết về nhạc sĩ Hồng Đăng |
Ở mỗi thời khắc, độ tuổi, tiếng hát Thanh Lam lại gói ghém thêm những cảm xúc. Thời trẻ khi hát ca khúc này, tôi chưa thẩm thấu hết được những con chữ mà chú viết ra. Sau này tôi mới cảm nhận được sâu sắc hơn về bài hát.
Chú Hồng Đăng chơi với mẹ tôi (NSƯT Thanh Hương). Tôi nhớ một lần khi tôi con bé, chú Hồng Đăng đã bảo với mẹ tôi rằng: "Con bé này lớn lên sẽ thành công, nổi tiếng, được nhiều người biết đến đấy".
Có lần, tôi gặp chú ở một chương trình, lúc đó chú đã yếu và chống nạng tới. Sáng nay khi nghe vợ chú báo tin chú mất rồi, tôi rất buồn vì trong những năm tháng dịch bệnh, chú cháu không có cơ hội được gặp nhau. Không được gặp chú trước khi chú mất, tôi rất buồn thương!
Ca sĩ Tùng Dương: "Chú Hồng Đăng truyền cảm hứng cho tôi trách nhiệm hơn với âm nhạc"
Tùng Dương biết nhạc sĩ Hồng Đăng từ rất lâu rồi. Ông là một nhạc sĩ lớn có rất nhiều sáng tác nổi tiếng đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam.
Chị Thúy - vợ chú là một người phụ nữ đảm đang, sống hết mình, đứng đằng sau hỗ trợ chồng trong sự nghiệp. Chị cũng là người rất nghiêm túc, khắt khe trong âm nhạc như chú vậy. Khi nghe bất cứ ca sĩ nào hát bài của chú, chị cũng có thể phân tích được.
Sau cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn", Tùng Dương được nhạc sĩ Hồng Đăng và chị Thúy mời tham dự đêm nhạc Lênh đênh diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Thanh Lam, Tùng Dương tiết lộ điều ít biết về nhạc sĩ Hồng Đăng |
Tùng Dương hát song ca với ca sĩ Hồng Nhung nhạc phẩm Lênh đênh cùng tên với chủ đề của đêm nhạc. Một ca khúc khác mà Tùng Dương thể hiện là Kí ức đêm.
Bài hát Ký ức đêm rất nội tâm. Hồi đó vì Tùng Dương còn trẻ, đi diễn nhiều, lúc ghép nhạc còn chưa thuộc bài của chú. Chú Hồng Đăng và chị Thúy "phê bình" Tùng Dương chưa thuộc bài, chưa có trách nhiệm với bài hát.
Ngay đêm hôm đó, Tùng Dương chấn chỉnh, về học thuộc bài. Hôm sau tập luyện, cả chú Hồng Đăng và chị Thúy đều ôm chầm lấy Tùng Dương và nói: "Đấy, thế này mới gọi là hát, mới ra được phần tinh thần Ký ức đêm của chú".
Biển hát chiều nay của nhạc sĩ Hồng Đăng là ca khúc Tùng Dương yêu thích nhất về biển. Ngay hôm qua thôi, Dương vừa hát ca khúc này tại Quảng Ninh thì sáng nay nghe tin chú qua đời. Thực sự Dương rất buồn, biết là quy luật của cuộc đời, không ai tránh được cái chết cả nhưng tôi vẫn rất nhớ người nhạc sĩ hiền hậu với trái tim nhân từ, ngập tràn tình yêu thương.
Chú yêu quê hương đất nước trong từng hơi thở. Tình yêu đó thấm đẫm trên những câu từ, con chữ, âm nhạc mà ông viết nên.
Có câu hát: "Trưa nay qua đường phố quen gặp những tiếng ve đầu tiên. Chợt nghe tâm hồn xao xuyến. Điệp khúc tiếng ve triền miên. Tiếng ve đu cành sấu. Tiếng ve náu cành me. Tiếng ve vẫy tuổi thơ. Tiếng ve chào mùa hè…" (Ca khúc Kỷ niệm thành phố tuổi thơ). Đó là một trong những ca khúc gắn liền với tuổi thơ của Tùng Dương.
Chỉ trong vòng một tuần mà nền âm nhạc Việt Nam đã mất đi hai nhạc sĩ: nhạc sĩ Hồng Đăng và người ở thế hệ trẻ hơn là nhạc sĩ Ngọc Châu. Đó là mất mát vô cùng to lớn!
Xót xa, thương tiếc biết bao, nhưng Tùng Dương nghĩ rằng, sự ra đi của họ không hề uổng phí, luôn luôn nhắc cho chúng ta về trách nhiệm với cuộc đời, âm nhạc. Dù có thế nào chúng ta vẫn phải sống, tiếp tục cống hiến, sáng tạo, đóng góp cho âm nhạc Việt Nam và cuộc đời này. Những người nghệ sĩ như Tùng Dương thực sự được truyền cảm hứng từ các nhạc sĩ đáng kính, đáng mến đó.