Dai Jia-peng, Tổng giám đốc Ủy ban Tự động hóa của Foxconn cho biết, kế hoạch sẽ được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, công ty sẽ thay thế robot để làm những công việc nguy hiểm, mang tính lặp đi lặp lại mà người lao động không sẵn sàng làm. Giai đoạn hai, Foxconn sẽ nâng cao tính hiệu quả thông qua việc tinh giản dây chuyền sản xuất để giảm số robot dư thừa không sử dụng. Giai đoạn cuối là tự động hóa toàn bộ nhà máy.
Quá trình tự động hóa trong sản xuất đã được Foxconn đưa ra thực hiện từ nhiều năm nay. Năm 2015, Foxconn đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tự động hóa 30% dây chuyển sản xuất tại các nhà máy tại Trung Quốc.
Các công nhân đang lắp ráp linh kiện tại một nhà máy của Foxconn tại Trung Quốc. (Nguồn: QTM) |
Hiện tại, công ty có thể sản xuất khoảng 10.000 Foxbots một năm, tất cả đều có thể được sử dụng để thay thế người lao động. Tháng 3/2016, Foxconn cho biết họ đã tự động hóa 60.000 việc làm tại một trong những nhà máy của mình.
Theo các chuyên gia công nghệ, về lâu dài, chi phí sử dụng robot sẽ rẻ hơn so với chi phí nhân công. Tuy nhiên, việc đầu tư ban đầu sẽ khá tốn kém. Việc lập trình robot thực hiện các công việc khác nhau cũng như tái lập trình để robot có thể thực hiện được nhiều chức năng cũng rất khó khăn, tốn kém và mất thời gian.
Ngoài ra, một trở ngại khác mà Foxconn đang sẽ phải đối mặt là việc Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các công ty sử dụng lao động trong nước thông qua các ưu đãi về năng lượng và cơ sở hạ tầng. Và Foxconn lại là đơn vị sử dụng lao động nhiều nhất, với hơn 1,2 triệu nhân công.