📞

Nhận diện sức mạnh các đối thủ của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á

09:16 | 25/12/2019
TGVN. Ngay từ khi có kết quả bốc thăm, U23 Việt Nam đã được xem là nằm trong bảng đấu nhẹ nhất có thể tại VCK giải U23 châu Á. Hiện tại, nhận định đó ngày càng xác thực hơn, bởi các đối thủ của chúng ta trong bảng D hiện không quá mạnh.
U23 Việt Nam giờ không ngại U23 UAE. (Ảnh: Trọng Vũ)

Ba đối thủ ở bảng D với U23 Việt Nam là CHDCND Triều Tiên, Jordan và UAE. Trong số này, lứa cầu thủ hiện tại của CHDCND Triều Tiên chính là lứa đã bị thế hệ U19 của những Quang Hải, Đình Trọng, Trọng Đại, Tấn Sinh, Đức Chinh thủ môn Bùi Tiến Dũng… đánh bại ở giải U19 châu Á năm 2016, ở Bahrain.

Hà Đức Chinh chính là tác giả của 1 trong 2 bàn thắng trong chiến thắng 2-1 của U19 Việt Nam trước U19 CHDCND Triều Tiên năm đó (người ghi bàn thắng còn lại cho U19 Việt Nam năm 2016 là Đoàn Văn Hậu).

Dĩ nhiên, không thể đem kết quả của độ tuổi 19 để cho ra đáp án của độ tuổi 23. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ vài năm nay, bóng đá CHDCND Triều Tiên không hề tiến mà còn thụt lùi quá nhiều ở mọi cấp độ.

Chiếu theo mọi cấp độ, các đội tuyển Việt Nam bây giờ cầm hoà hay thắng các đội tuyển CHDCND Triều Tiên không còn là chuyện hiếm. Nên khi những Quang Hải, Đình Trọng, Đức Chinh… đã thắng được thế hệ cầu thủ hiện tại của CHDCND Triều Tiên cách nay 4 năm, thì chúng ta không có lý do gì phải e ngại họ ở thời điểm hiện tại.

Cũng 4 năm trước, U19 Việt Nam tại giải U19 châu Á năm 2016 chung bảng với UAE, và hoà đội này 1-1 trên đất Bahrain. Thế hệ U19 UAE năm đó hiện trưởng thành và nhiều người khoác áo đội U23 UAE hiện nay.

Có thể họ phát triển tốt hơn, nhờ chất lượng của nền bóng đá UAE nói chung cao hơn nền bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, sự nhỉnh hơn đấy không ở mức quá cao, và các cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại vẫn có thể giành kết quả tốt trước họ, nếu thi đấu hợp lý.

Toàn bộ các cầu thủ U23 UAE đều thi đấu trong nước, chi tiết này rất đáng tham khảo với giới bóng đá Việt Nam. Bởi, thường thì các cầu thủ thuộc Tây Á khi ra châu Âu thi đấu mới trở thành quái kiệt, mới trở nên nguy hiểm, thiện chiến hơn, nhờ học tập được tính khoa học của người châu Âu, của bóng đá châu Âu.

U23 Jordan sẽ mất ngôi sao quan trọng nhất trong trận đấu với U23 Việt Nam. (Nguồn: Dân trí)

Đấy cũng là khác biệt của cầu thủ Iran và phần nào đó là Iraq so với phần còn lại của bóng đá Tây Á. Chứ với những cầu thủ chưa ra châu Âu thi đấu, họ sẽ không quá thiện chiến.

Bằng chứng là U23 Việt Nam từng hoà U23 UAE trong trận giao hữu cách nay không lâu, còn đội tuyển quốc gia Việt Nam từng đánh bại đội tuyển U23 tại vòng loại World Cup trên sân Mỹ Đình. Nhìn chung, UAE vẫn là đối thủ mà hiện tại chúng ta có thể… “xử lý được”.

Jordan là đội bóng hiếm hoi tại bảng D sở hữu cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu. Tuy nhiên, cầu thủ Jordan cũng chỉ khoác áo các đội bóng thuộc những nền bóng đá nhỏ ở cựu lục địa, điển hình là ở Đảo Cyprus.

Tố chất của cầu thủ Jordan nói riêng và cầu thủ Tây Á nói chung tốt hơn tố chất của cầu thủ Việt Nam, nhất là về mặt thể lực. Tuy nhiên, cầu thủ Việt Nam và cầu thủ phía Đông châu Á lại hơn cầu thủ Tây Á về tính kỷ luật chiến thuật và khả năng phát triển các ý đồ chiến thuật tuỳ theo diễn biến trên sân.

Thế nên, thường thì khi các đội tuyển Việt Nam có đủ thể lực và áp dụng lối chơi hợp lý trước các đội bóng Tây Á, trong đó có Jordan, chúng ta có thể hướng đến một kết quả tốt cho mình. U23 Việt Nam trước Jordan càng tỏ ra kiên nhẫn thì đối phương càng dễ nôn nóng.

Vả lại, Jordan sẽ thiếu cầu thủ quan trọng là Musa Al-Taamari trong trận đấu với U23 Việt Nam, do CLB chủ quản của anh là APOEL (Đảo Cyprus) không chịu “nhả” người, với lý do giải U23 châu Á nằm ngoài lịch thi đấu thường niên do FIFA ấn định. Đấy có thể là tin vui đối với đội bóng của HLV Park Hang Seo.

Dĩ nhiên, U23 Việt Nam không khinh địch, nhưng chúng ta cũng không nên mất tự tin trước thềm giải đấu quan trọng này. Dù sao thì như đã nói, sẽ không có bảng đấu dễ thở hơn cho chúng ta, khi nhìn vào tương quan các đội ở giải U23 châu Á năm 2020.

(theo Dân trí)