Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi làm việc với Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. (Ảnh: Nguyễn Việt) |
Tham gia Đoàn công tác còn có đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam của VCCI cho thấy, tính đến thời điểm 31/12/2021, cả nước có 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động. Con số này tương đối cách xa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 từng đặt ra tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Thêm vào đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vừa trải qua một năm 2021 đầy khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 là gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020.
Khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của VCCI đã phản ánh cụ thể hơn tác động của dịch Covid-19 đối với cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, có tới 92% doanh nghiệp (94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 (năm 2020 là 87%).
Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)…
Cùng với những tác động tiêu cực do dịch Covid-19, Khảo sát PCI cũng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Có tới khoảng 66% doanh nghiệp đối mặt với suy giảm doanh thu so với năm 2020.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, 5 vấn đề khó khăn hàng đầu mà các doanh nghiệp đang gặp phải, bao gồm: tìm kiếm khách hàng (69%), tiếp cận vốn (47%), biến động thị trường (33%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (28%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (24%).
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn là nhóm có mức độ gặp khó khăn cao hơn doanh nghiệp quy mô lớn. Những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 đã khiến cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Trong năm 2021, lần đầu tiên có đến gần 17% doanh nghiệp báo cáo dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp. Đây là mức cao nhất trong lịch sử 17 năm tiến hành PCI của VCCI.
Theo kết quả PCI 2021, một trong những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh là tiếp cận, mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân xuất phát từ sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuê chuyển nhượng đất đai (42,5%), quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp (39,3%), việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và địa phương “thiếu quỹ đất sạch”.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng bức xúc vì công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và việc xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định. Những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Do vậy, VCCI đề nghị Đảng, Quốc hội và Chính phủ sớm có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thông tin, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ xem xét rất nhiều dự án Luật quan trọng, có tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…
Để các luật sửa đổi đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội cần nghe được thông tin nhiều chiều, từ nhiều đối tượng, chủ thể khác nhau, trong đó có cộng đồng các doanh nghiệp, các doanh nhân.
VCCI đề nghị Đảng, Quốc hội và Chính phủ sớm có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. (Nguồn: VnEconomy) |
Đây là một trong những nguồn thông tin từ thực tiễn hết sức hữu ích với cả các Bộ, ngành của Chính phủ cũng như các cơ quan của Quốc hội. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đang tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát việc thực hiện các luật, việc ban hành các văn bản hướng dẫn luật.
Thêm nữa, chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững tập trung vào nội dung làm sao để thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị VCCI quan tâm, có đóng góp tích cực và giá trị để đưa tiếng nói của doanh nghiệp đến với Quốc hội và Chính phủ thông qua Diễn đàn.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, qua báo cáo cho thấy số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng mạnh (trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 94,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 13,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).
“Đây là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, đòi hỏi cả phía Nhà nước và doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề, có thể là cả điều chỉnh chiến lược và chính sách để giảm thiểu, khắc phục và vượt qua được các khó khăn hiện nay”, ông Hải khẳng định.
Đánh giá của doanh nghiệp cũng như của VCCI về các giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành đã thực hiện nhằm hỗ trợ, khắc phục khó khăn sau dịch Covid-19; đồng thời là các đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ;
Ngoài các nội dung trên, ông Nguyễn Đức Hải bày tỏ mong muốn VCCI rất gần và sát với doanh nghiệp có những chia sẻ, đánh giá về xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo.