KInh tế Mỹ sẽ thiệt hại nặng nề nếu nhân lực ngành sản xuất thiếu hụt. (Nguồn: Reuters) |
"Đỏ mắt" tìm nhân lực
Tháng 3/2021, hoạt động sản xuất của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 37 năm. Các doanh nghiệp, nhà máy hiện đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân lành nghề cho các vai trò chuyên biệt như thợ hàn và thợ máy. Các nhà sản xuất cũng đang gặp khó khăn khi tuyển dụng các vị trí cấp thấp không yêu cầu chuyên môn.
Sự thiếu hụt nhân lực không phải là vấn đề mới, nhưng vấn đề này đang trở nên tồi tệ hơn và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho ngành sản xuất.
Theo một nghiên cứu được công bố bởi Deloitte và The Manufacturing Institute, có tới 2,1 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất sẽ bị thiếu hụt cho đến năm 2030.
Báo cáo cũng cảnh báo, tình trạng thiếu lao động sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, sản xuất và cuối cùng có thể khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Các nhà sản xuất cho biết, ở thời điểm hiện tại, dù tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức báo động nhưng lại khó tìm nhân công hơn năm 2018. Hơn 3/4 giám đốc điều hành sản xuất (77%) được khảo sát cho biết, họ sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân người lao động trong năm nay và những năm sau đó.
Báo cáo cho biết, trong suốt các cuộc phỏng vấn với các Giám đốc điều hành doanh nghiệp được thực hiện trong nghiên cứu năm nay, một tín hiệu đau khổ vang dội liên tục lặp lại: "Chúng tôi không thể tìm được nhân lực".
Ví dụ, nhu cầu về hệ thống HVAC (sưởi, thông gió và điều hòa không khí) đang tăng rất mạnh ở Bắc Mỹ khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại. 3 tháng đầu năm 2021, tại Bắc Mỹ, doanh số bán các sản phẩm trong hệ thống HVAC của hãng Carrier đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhà sản xuất điều hòa không khí Carrier đang phải vật lộn để tìm công nhân để đáp ứng nhu cầu tăng vọt này.
Giám đốc điều hành Carrier David Gitlin chia sẻ: "Chúng tôi đang phải đối mặt với môi trường đầy thách thức. Chúng tôi phải cố gắng rất nhiều".
CNN nhận định, sự thiếu hụt nhân lực có thể trở thành lực cản đối với sự tăng trưởng của ngành nói riêng và của nền kinh tế lớn nhất thế giới nói chung.
Lo sợ robot sẽ thay thế con người
Các giám đốc điều hành sản xuất cho biết, một phần của vấn đề là nhiều thanh niên Mỹ không muốn làm việc trong các nhà máy, một phần vì lo ngại về việc robot công nghiệp sẽ thay thế người lao động trong tương lai.
Carolyn Lee, Giám đốc điều hành của Viện Sản xuất nói: "Có một vấn đề về nhận thức... Mọi người không biết rằng, có những công việc cần đam mê, có những công việc nhận mức lương có thể hỗ trợ gia đình và có những công việc ổn định. Cũng có những công việc chỉ yêu cầu chứng chỉ ngắn hạn. Mọi người đang nghĩ rằng, sản xuất là một ngành công nghiệp cố định, tiến bộ thấp và kiến thức thấp. Thực tế không phải vậy".
Báo cáo của Deloitte cho hay, mặc dù có 2,7 triệu robot công nghiệp đang được sử dụng trên toàn thế giới, nhưng con người vẫn là yếu tố quan trọng và cần thiết nhất.
Ông Lee nhận định: "Các robot không thể tiếp quản công việc của con người. Một người máy có thể nhặt một chiếc hộp và di chuyển nó, nhưng một con người có thể sáng tạo và đón đầu những công việc mới".
Tuy nhiên, một số công ty khởi nghiệp chế tạo robot đang tìm cách tận dụng sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Điển hình như Path Robotics, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Columbus, bang Ohio đã thiết kế hệ thống robot hàn tự động đầu tiên trên thế giới.
Lee Fixel, người sáng lập Addition nhận định: "Path Robotics đang giải quyết vấn đề phức tạp và quan trọng trong ngành sản xuất tại Mỹ".
Ngành thương mại điện tử đang "đổ thêm dầu vào lửa"
Mặc dù hàng triệu người Mỹ vẫn không có việc làm khi đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn nhưng báo cáo của Deloitte nhận thấy, nhiều nhà sản xuất không thể lấp đầy các vị trí không yêu cầu kiến thức kỹ thuật, dù đã trả cao hơn mức lương tối thiểu liên bang là 7,25 USD/ giờ.
Các vị trí này bao gồm thợ lắp ráp, người phụ giúp công việc sản xuất... và chỉ yêu cầu "trình độ cơ bản, làm việc theo chỉ dẫn. Về lý thuyết, các công việc này có thể được lấp đầy bởi những người bị sa thải trong lĩnh vực khách sạn hoặc nhà hàng cũng như những người tốt nghiệp Trung học.
Một phần của cuộc đấu tranh chưa có hồi kết này là các nhà sản xuất phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt để giành được người lao động từ các thương hiệu như Amazon và Chewy - hiện đang làm việc hết công suất vì sự bùng nổ thương mại điện tử trong đại dịch Covid-19.
Wellener, Giám đốc điều hành Deloitte nhấn mạnh, sự gia tăng công việc trong ngành thương mại điện tử như "đổ thêm dầu vào lửa", làm trầm trọng thêm những rắc rối cho các nhà sản xuất, dù những công việc trong ngành đó có thể mang lại ít cơ hội dài hạn hơn.
Giải pháp nào cho tình trạng hiện tại?
Nhưng rõ ràng, sự thiếu hụt nhân công không chỉ là do hiệu ứng từ Amazon hay Chewy.
Các nhà sản xuất cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các công việc có kỹ năng trung bình, đòi hỏi một số mức độ đào tạo kỹ thuật hoặc kỹ năng ứng dụng. Những công việc đó bao gồm thợ máy điều khiển số máy tính, thợ hàn, kỹ thuật viên bảo trì và thường yêu cầu đào tạo, cấp phép hoặc chứng nhận.
Đồng thời, nghiên cứu của Deloitte cho thấy, trong 4 phụ nữ thì có 1 phụ nữ đang cân nhắc rời bỏ ngành sản xuất.
Báo cáo cho biết, mặc dù phụ nữ đại diện cho gần một nửa lực lượng lao động của Mỹ, nhưng chưa đến 1/3 các chuyên gia sản xuất là phụ nữ.
Deloitte đưa ra một số khuyến nghị, các nhà sản xuất có thể tăng cường tuyển dụng tại các trường Trung học, xem xét lịch trình linh hoạt để giúp nhân lực cân bằng công việc/cuộc sống, tập trung vào sự đa dạng vì lĩnh vực sản xuất chủ yếu là nam giới da trắng. Ngành công nghiệp này không thể lấp đầy cơ hội việc làm nếu không có sự tham gia của phụ nữ cũng như người dân tộc thiểu số.