DN xuất nhập khẩu chạy nước rút những tháng cuối năm (Ảnh minh họa) |
Nhóm hàng cần hạn chế nhập vẫn tăng mạnh
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 6,25 tỷ USD, tăng trưởng 23,2% so với cùng kỳ 2009, kéo kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt khoảng 57,8 tỷ USD, tăng 233,% so với cùng kỳ và vượt 17,3% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Như vậỵ, bình quân mỗi tháng các DN xuất khẩu được, 5,78 tỷ USD, nhập khẩu 6,7 tỷ USD.
Giá một số mặt hàng nông sản chiến lược có sự phục hồi mạnh kéo kim ngạch tăng cao, điển hình như giá điều tăng 20%, hạt tiêu tăng 38%, sắn tăng 78%, cao su tăng 82%, các mặt hàng khác như dầu thô tăng 35%, than đá tăng 55%. Tuy nhiên lượng xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực lại giảm, như hạt tiêu giảm 11%, sẵn các loại giảm 53%, dầu thô giảm 44%, than đá giảm 22%...
Kim ngạch nhập khẩu 10 tháng ước tăng 20,7% so với cùng kỳ, đạt 67,28 tỷ USD.
Trong đó, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng tới 38,5% so với cùng kỳ, đạt gần 7,6 tỷ USD, trong đó đá quý và kim loại quý tăng 244%, linh kịên phụ tùng xe máy tăng 34,6%.
Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu gồm hàng tiêu dùng, ô tô dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc tính chung 10 tháng tăng 19%. Trong đó nhóm hàng tiêu dùng tăng 22,4%. Riêng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ trong tháng 10 nhập khẩu khoảng gần 4000 chiếc, tăng 14,6%, song được coi là mức tăng thấp hơn nhiều so với tính chung từ đầu năm đến nay là 20,7%.
Lượng ô tô dưới 9 chỗ nhập khẩu từ đầu năm đến nay là 26.732 chiếc.
Theo Bộ Công thương, nhập khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh hơn nhiều so với nhập khẩu của DN trong nước, lần lượt là khối FDI tăng 41,2%, trong khi DN nội địa chỉ tăng 8,7%.
Theo ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, vấn đề đáng quan tâm trong diễn biến xuất nhập khẩu là tăng trưởng nhập khẩu những nhóm hàng cần hạn chế kiểm soát và hạn chế nhập khẩu tăng cao, trong khi nhóm hàng khuyến khích xuất khẩu chỉ tăng 8,8%.
Với vấn đề kiểm soát nhập siêu, từ nay chỉ có thể áp dụng hàng rào kỹ thuật, cần ban hành quy trình kiểm tra kiểm soát, việc này các bộ ngành cần có sự phối hợp thống nhất và phù hợp với cam kết quốc tế.
Xuất khẩu vẫn bị "bó" từ nhiều phía
Tình hình xuất khẩu cuối năm 2010, và sang năm 2011 sẽ còn gặp những khó khăn như kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, hầu hết các nước đều hướng mạnh đến xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, trong đó sử dụng các rào cản thương mại để hạn chế, trong khi khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam còn thấp.
Bộ Công thương nhận định, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao so với mặt bằng trong khu vực và trên thế giới làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tình trạng phụ thuộc và nguồn nguyên liệu bên ngoài, nguồn cung nhiều mặt hàng hạn chế, năng lực sản xuất nhiều mặt hàng như nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao hơn.
Nhiều ngành sản xuất không được cung ứng đủ nguồn năng lượng điện, than…cho các nhà máy sản xuất.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, “Cho phép tạm nhập tái xuất hàng hóa đi Trung Quốc chúng ta không thu được bao nhiêu, mà xe container “tàn phá” hạ tầng đường xá không ít. Trong khi nếu có ách tắc từ phía nhập hàng thì những loại hàng hóa này bị ách cả tại Việt Nam và chúng ta phải chịu trận xử lý. Đây là điều cần cân nhắc”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan thừa nhận tình trạng chi phí cho container xuất khẩu tại cảng Việt Nam là đắt so với các nước trong khu vực, và cần có sự cải tiến.
Theo Khoa học & Đời sống