Các tiêu chuẩn về an toàn hạt nhân này được ban hành sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 liên quan tới thảm họa động đất - sóng thần hồi năm 2011.
Cơ quan Quản lý hạt nhân (NRA) ngày 27/12 đã thông báo chứng nhận các biện pháp an toàn được TEPCO, đơn vị chủ quản nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thực thi tại lò phản ứng số 6 và số 7 tại nhà máy điện Kashiwazaki-Kariwa ở tỉnh Niigata, theo đó mở đường cho việc tái khởi động 2 lò phản ứng này.
Nhà máy Kashiwazaki-Kariwa của công ty TEPCO tại tỉnh Niigata, Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo) |
NRA đưa ra quyết định trên sau khi tiến hành đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật để xác định liệu TEPCO có đủ điều kiện để vận hành một nhà máy điện hạt nhân hay không trong bối cảnh đang phải chật vật tháo dỡ nhà máy Fukushima số 1 (dự kiến kéo dài tới năm 2051), đồng thời phải xử lý nước nhiễm xạ xung quanh nhà máy này.
Hai lò phản ứng trên là những lò mới nhất trong số 7 lò phản ứng tại nhà máy Kashiwazaki-Kariwa, một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới với sản lượng 8,2 triệu kilowatts điện.
Mặc dù được NRA phê chuẩn, nhưng việc tái khởi động hai lò này có thể sẽ cần ít nhất vài năm nữa. Theo Tỉnh trưởng tỉnh Niigata, Ryuichi Yoneyama, sẽ mất khoảng từ 3 - 4 năm để nhà máy có được sự đồng ý của người dân địa phương về vấn đề này.
Việc NRA chứng nhận 2 lò phản ứng của TEPCO đáp ứng tiêu chuẩn an toàn đã tạo động lực cho Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy nỗ lực tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân vốn ngừng hoạt động sau thảm họa hạt nhân cách đây 6 năm.
Bản thân TEPCO cũng đang nỗ lực hết sức để nối lại hoạt động của các lò phản ứng để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch tốn kém, giữa lúc TEPCO đối mặt với những khoản bồi thường lớn liên quan tới sự cố Fukushima.
Ngày 11/3/2011, thảm họa động đất sóng thần tại khu vực bờ biển Đông Bắc Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của hơn 18.500 người và gây thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.