📞

Nhật - Ấn nhất quán trước vấn đề Biển Đông

09:54 | 15/12/2015
Lần đầu tiên, vấn đề Biển Đông được đưa ra trong Tuyên bố chung của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Ấn Độ (từ ngày 11-13/12).
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: AP)

Tháng 8/2014, Thủ tướng Narendra Modi đã có chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới Nhật Bản. Tại đây, ông đã có động thái “chọc tức” Bắc Kinh với những phê phán liên quan tới chính sách bành trướng của một số quốc gia. Tuy nhiên, Tuyên bố chung sau chuyến thăm này vẫn né tránh vấn đề Biển Đông.

Vì vậy, đây là lần đầu tiên Ấn Độ và Nhật Bản bày tỏ quan điểm rõ ràng về Biển Đông. Tuyên bố chung kêu gọi các nước tránh hành động đơn phương, một động thái có thể dẫn tới căng thẳng trong khu vực. “Xét về tầm quan trọng sống còn của các tuyến đường ở Biển Đông đối với an ninh năng lượng, thương mại khu vực và làm nền tảng cho hòa bình, thịnh vượng ở Ấn Độ Dương, hai nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các nước tránh hành động đơn phương có thể gây căng thẳng trong khu vực”, Tuyên bố chung nêu rõ.

Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cũng khẳng định Biển Đông là quan tâm lớn của hai nước Ấn Độ và Nhật Bản, cả hai nước cũng có những lợi ích năng lượng tại đây. Đồng thời, Ngoại trưởng Ấn Độ kêu gọi Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cần nhanh chóng được thiết lập. Ngoại trưởng Nhật Bản Yasuhisa Kawamura cũng nhất quán với quan điểm này và thêm rằng, Bắc Kinh là một đối tác quan trọng với cả New Delhi và Tokyo. Do đó, hợp tác Ấn Độ - Nhật Bản không nhằm hướng tới việc chống lại một nước thứ ba.

Bên cạnh Biển Đông, hai nhà lãnh đạo cũng đề cập tới vấn đề khủng bố với những lời lẽ mạnh mẽ trong Tuyên bố chung. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực tiêu diệt những nơi trú ấn của lực lượng khủng bố, phá vỡ mạng lưới khủng bố quy mô toàn cầu thông qua việc ngăn chặn viện trợ tài chính cũng như những con đường di chuyển của khủng bố qua biên giới. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tầm quan trọng của việc đưa các thủ phạm của các vụ tấn công khủng bố ra công lý, kể cả những kẻ khủng bố trong vụ tấn công tại Mumbai năm 2008.

Hằng Phạm (theo The Indian Express)