Máy bay chiến đấu phản lực thế hệ mới do Nhật Bản, Anh và Italy sản xuất sẽ dựa trên nền tảng chương trình máy bay chiến đấu Tempest (ảnh) của Anh và chương trình máy bay chiến đấu F-X của Nhật Bản. (Nguồn: Sputnik) |
Cụ thể, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, BAE Systems PLC (Anh), Mitsubishi Heavy (Nhật Bản) và Leonardo (Italy) sẽ tham gia một liên doanh mang tên Chương trình Không chiến toàn cầu (GCAP) để thiết kế máy bay chiến đấu phản lực thế hệ mới. Máy bay này sẽ được xây dựng dựa trên nền tảng Chương trình máy bay chiến đấu Tempest do London dẫn dắt và Chương trình máy bay chiến đấu F-X của Tokyo, với tính năng kỹ thuật số tiên tiến. Dự kiến, máy bay chiến đấu này sẽ xuất xưởng vào năm 2035.
Tuyên bố chung ngày 9/12 của lãnh đạo ba nước cũng khẳng định “cam kết duy trì các quy tắc dựa trên luật lệ, tự do và rộng mở, vốn quan trọng hơn bao giờ hết tại thời điểm khi những nguyên tắc này bị tranh cãi, và các mối đe dọa cũng như hành động gây hấn leo thang”.
Trước tình hình an ninh thế giới diễn biến phức tạp với xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng ở eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông, vừa qua Nhật Bản đã công bố kế hoạch củng cố năng lực quốc phòng, với một số thông tin cho rằng Tokyo có thể tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% GDP trong vòng 5 năm tới. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận nêu trên, là một phần trong nỗ lực cải thiện khả năng phòng thủ trước các nguy cơ mới, đồng thời trao cho Anh vai trò an ninh lớn hơn tại khu vực vốn là đầu tàu tăng trường kinh tế toàn cầu.
Đồng thời, dự án hợp tác quốc phòng công nghiệp lớn đầu tiên của Nhật Bản ngoài Mỹ kể từ Thế chiến II cho thấy nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, thiết bị quân sự của Tokyo, giảm phụ thuộc vào Washington.
Về phần mình, Thủ tướng Rishi Sunak khẳng định Anh cần đi đầu trong công nghệ quốc phòng và tin tưởng thỏa thuận về máy bay chiến đấu trên sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới.