Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông bên lề Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và kinh nghiệm từ Nhật Bản”, được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Ông đánh giá như thế nào về những chính sách hỗ trợ DNNVV của Nhật Bản?
Ngay từ những ngày đầu xây dựng lại đất nước sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật Bản đã có chính sách phát triển DNNVV, đồng thời họ cho ra đời luôn luật chống tích tụ tư bản. Họ đặt vấn đề phát triển DNNVV là trụ cột, là xương sống của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông. (Nguồn: NDH) |
Việt Nam sẽ học hỏi được gì từ những kinh nghiệm của Nhật Bản, thưa ông?
Từ những chia sẻ của Nhật Bản, chúng tôi mong muốn Luật hỗ trợ DNNVV chuẩn bị trình Quốc hội sẽ đi theo đúng xu thế của thế giới. Qua khảo sát, nghiên cứu đã cho thấy tất cả các nước đều có chính sách hỗ trợ DNNVV vì đây là một trong những đối tượng rất dễ bị tổn thương. Không chỉ riêng những nước đang phát triển như Việt Nam mà những nước công nghiệp phát triển như G7 cũng đều rất quan tâm và hỗ trợ DNNVV. Cộng đồng DNNVV của họ cũng rất lớn.
Chúng ta từng cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam chỉ toàn là “thuyền thúng” khi có tới 97% doanh nghiệp là DNNVV. Nhưng tại Nhật Bản, DNNVV Nhật Bản còn chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều, lên tới 99,7% và quy mô cũng không lớn hơn các DNNVV Việt Nam.
Trong khi đó, chỉ có 0,3% được xác định là doanh nghiệp lớn, và họ không có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp này. Họ chỉ tập trung hỗ trợ DNNVV bởi đây là nơi có nhiều sự sáng tạo của con người, tạo ra giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế. DNNVV đóng góp vào mắt xích chuỗi giá trị của các doanh nghiệp lớn. Nhưng phần quan trọng hơn cả là DNNVV đã tạo ra 70% công ăn việc làm cho xã hội.
Được biết, nhiều tổ chức của Nhật Bản tại Việt Nam cũng có nhiều hỗ trợ cho các DNNVV Việt Nam, vậy các doanh nghiệp Việt Nam đã “lĩnh hội” được gì từ sự hỗ trợ này?
Thời gian vừa qua, phía Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã có nhiều chương trình hợp tác với Việt Nam nhằm hỗ trợ các DNNVV.
Một trong những hỗ trợ thiết thực nhất là chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản trong hỗ trợ DNNVV. Bên cạnh đó, họ còn cử các chuyên gia tình nguyện sang Việt Nam để tập huấn cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm thay đổi cung cách quản lý tổ chức sản xuất để đạt được tiêu chuẩn nhất định, từ đó sẽ tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tại Việt Nam.
Nguồn lực Nhật Bản dành cho hỗ trợ DNNVV Nhật Bản rất lớn, họ có hơn 20.000 nhân viên phục vụ cho việc hỗ trợ DNNVV trên khắp cả nước, đi cùng đó là nguồn ngân sách rất dồi dào.
Tôi không có ý là chúng ta đuổi theo mức độ hỗ trợ để ngang bằng với họ vì nguồn lực của Việt Nam ở giai đoạn này cũng hữu hạn mà cần tìm cách tiếp cận đúng đắn, bài bản. Dù nguồn lực hạn hẹp mà chúng ta làm tốt, làm đúng thì chúng ta vẫn có thể hỗ trợ DNNVV một cách hiệu quả nhất.
Luật hỗ trợ DNNVV dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 5 tới. (Nguồn: Thời báo Tài chính) |
Ông đánh giá như thế nào về dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 5 tới?
Tôi hy vọng các đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ và bấm nút thông qua. Ngay như Nhật Bản, họ cũng phải qua 3, 4 lần sửa đổi về chính sách cũng như luật pháp về hỗ trợ DNNVV ở từng giai đoạn. Chính vì thế chúng ta cũng không nên quá cầu toàn hay kỳ vọng vào một sự hoàn hảo mà làm chậm việc thông qua Luật hỗ trợ DNNVV.
Hãy cứ để cho Luật ra đời, còn khi đi vào cuộc sống, triển khai thực hiện thì thực tế sẽ chỉ cho chúng ta thấy những chính sách đó đã đủ hay chưa. Nếu luật sớm có hiệu lực ngày nào thì chỉ có lợi cho cộng đồng DNNVV ngày đấy.
Từ những kinh nghiệm từ Nhật Bản và thế giới, chúng ta nên vận dụng như thế nào cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam?
Không có mẫu chuẩn cho một chính sách cụ thể nào cả, mỗi quốc gia ở một giai đoạn phát triển có điều kiện khác nhau. Chúng ta chỉ có thể học hỏi kinh nghiệm tốt nhất từ các nước và tìm kiếm những gì phù hợp với khả năng của đất nước ở giai đoạn hiện tại với đặc thù DNNVV của chúng ta để ra được chính sách phù hợp nhất.
Với trách nhiệm được giao, chúng tôi đang tìm kiếm những gì tốt đẹp nhất cho chính sách hỗ trợ DNNVV Việt Nam phát triển.
Xin cảm ơn ông!