Chương trình hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ Hỗ trợ an ninh chính thức (OSA) sẽ giúp Nhật Bản và Bangladesh đối phó với những thách thức trong vùng biển khu vực. (Nguồn: Navy Recognition) |
Hai nước dự kiến ký thỏa thuận vào ngày 15/11 tại thủ đô Dhaka, Bangladesh. Các tàu này sẽ được cung cấp theo khuôn khổ Hỗ trợ an ninh chính thức (OSA) của Nhật Bản, tương đương với khoản tài trợ khoảng 600 triệu Yen (3,9 triệu USD).
Nhật Bản gần đây đã đồng ý chuyển thiết bị radar ven biển cho Philippines theo OSA. Bangladesh là nước thứ hai nhận thiết bị quốc phòng theo khuôn khổ này.
Trước đó, Tokyo đã phân bổ 2 tỷ Yen cho chương trình OSA, với mục tiêu cung cấp hỗ trợ quốc phòng trực tiếp cho các quốc gia cùng định hướng.
Được biết, Malaysia và Fiji là hai đối tác tiềm năng của Nhật Bản trong khuôn khổ OSA thời gian tới. Quốc gia Đông Bắc Á này hiện có thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng với 15 nước.
Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Bangladesh nhập khoảng 70% vũ khí từ Trung Quốc. Song gần đây, do lo ngại về chất lượng của thiết bị quân sự từ Bắc Kinh, Dhaka đẩy mạnh đa dạng hóa nhà cung cấp.
Với Bangladesh, việc bổ sung Nhật Bản vào danh sách nhà cung cấp sẽ cho phép Dhaka tiếp cận thiết bị công nghệ tiên tiến.
Còn với Nhật Bản, việc chuyển giao công nghệ quốc phòng cho khu vực Nam Á là nhằm đối trọng với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương thông qua chiến lược “chuỗi ngọc trai”, trong đó gồm hợp đồng thuê 99 năm với cảng Hambantota của Sri Lanka.