Theo một quan chức cấp cao của SDF, cùng với các lĩnh vực trên bộ, trên biển và trên không, việc đạt được lợi thế trong các lĩnh vực mới được coi là "cực kỳ quan trọng" đối với SDF để đảm bảo khả năng liên lạc và triển khai binh lính hiệu quả, cũng như nắm được vị trí của quân đội và tài sản của đối phương.
Bức ảnh chụp hệ thống tác chiến điện tử tại một căn cứ của GSDF ở Kumamoto vào ngày 29/3/2021. (Nguồn: Kyodo News) |
Một đơn vị tác chiến điện tử gồm 80 thành viên đã được ra mắt vào tháng Ba tại một căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) ở thành phố Kumamoto. Đơn vị này có nhiệm vụ phát hiện và phân tích thông tin liên lạc trên không và của hải quân cũng như sóng radar từ các nước láng giềng.
Đơn vị này cũng sẽ chịu trách nhiệm làm gián đoạn liên lạc và radar của đối phương khi được yêu cầu. 5 đơn vị tương tự khác dự kiến sẽ được thành lập với trụ sở chính đặt tại Doanh trại Asaka ở khu vực thủ đô Tokyo vào tháng 3/2022.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang phát triển một loại máy bay tác chiến điện tử độc lập được thiết kế để gây nhiễu radar của đối phương.
Đối với Phi đội hoạt động không gian, một tổ chức mới sẽ được thành lập trong tài khóa này để lãnh đạo một đội gồm khoảng 70 thành viên, với nhiệm vụ giám sát các mảnh vỡ không gian và các vệ tinh đáng ngờ.
Phi đội này nằm trong Lực lượng Phòng vệ Trên không (ASDF), đã được ra mắt vào năm ngoái tại căn cứ Không quân Fuchu ở ngoại ô Tokyo. Một radar giám sát không gian đang được xây dựng ở tỉnh Yamaguchi và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tài khóa 2023.
Trong lĩnh vực an ninh mạng, bộ này có kế hoạch thành lập một quân đoàn gồm khoảng 540 thành viên bằng cách hợp nhất các chuyên gia từ GSDF, ASDF và Lực lượng Phòng vệ Trên biển cùng với các tân binh từ khu vực tư nhân vào tháng 3/2022.