Tại buổi gặp, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác sâu sắc hơn nữa với ASEAN và trao đổi với đại sứ các nước ASEAN những nội dung như: hợp tác trong “chiến lược mở cửa, tự do Ấn Độ - Thái Bình Dương”; thúc đẩy hợp tác ASEAN – Nhật Bản năng động, hiệu quả; thỏa thuận hợp tác công nghệ giữa Nhật Bản và ASEAN; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản - ASEAN (AJCEP); hợp tác trong các vấn đề Biển Đông và Triều Tiên.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida gặp gỡ Đại sứ các nước Đông Nam Á. |
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida chúc mừng thành tựu đạt được của các nước ASEAN trong 50 năm qua, đồng thời khẳng định mối quan hệ hữu nghị, lâu dài, trải qua hơn 40 năm giữa Nhật Bản và ASEAN vì mục tiêu hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Nhật Bản đánh giá ASEAN là một trong các thị trường phát triển năng động và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN, Ngoại trưởng Fumio Kishida bày tỏ mong muốn Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ các ASEAN.
Về phần mình, phát biểu trong buổi gặp, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đánh giá Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng nhất của ASEAN, đồng thời hoan nghênh và mong muốn Nhật Bản đóng góp hơn nữa cho hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như xây dựng trật tự khu vực dựa trên pháp luật quốc tế.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho biết trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản đã trở thành nhà tài trợ ODA hàng đầu cho ASEAN, đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ 2 của ASEAN. Đại sứ mong muốn hai bên sớm đạt được thỏa thuận trong thương mại đầu tư dựa trên AJCEP, để thúc đẩy kim ngạch thương mại ASEAN – Nhật Bản tăng gấp đôi vào năm 2022.
Về hợp tác trên không và trên biển, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của khu vực trong tương lai. Đại sứ hy vọng sẽ nhận được sự hợp tác hơn nữa của Nhật Bản và các đối tác liên quan hướng tới lợi ích của tất cả các bên, trong đó có vấn đề tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Đại sứ đề nghị các bên cần tái khẳng định cam kết giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, cam kết thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới thống nhất khung của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Về hợp tác nguồn nhân lực, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho biết ASEAN với 60% là dân số trẻ, đây sẽ là lực lượng định hướng tương lai phát triển của Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, các bên cần dành nhiều nguồn lực và sự ưu tiên hơn nữa trong lĩnh vực này; mong muốn Nhật Bản - một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề và khởi nghiệp.