Ngày 23/4, Phát biểu họp báo thường kỳ, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho rằng, Chính phủ Nhật Bản không cần phải sử dụng nguồn dự trữ dầu quốc gia sau quyết định của Mỹ.
Theo ông Seko, Nhật Bản - quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ tư thế giới - đã giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu thô của Iran. Hiện nguồn cung này chỉ chiếm khoảng 3% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản.
Bộ trưởng Seko cũng cam kết sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường năng lượng quốc tế, trao đổi với các công ty Nhật Bản có liên quan đến hoạt động nhập khẩu dầu thô và xem xét thực hiện các biện pháp cần thiết.
Theo các nguồn tin và số liệu tổng hợp bởi công ty nghiên cứu thị trường Refinitiv Eikon, các nhà máy lọc dầu của Nhật Bản trước đó đã tạm dừng nhập khẩu dầu từ Iran sau khi nhập 15,3 triệu thùng dầu trong quý I/2019, trước khi lệnh miễn trừ trừng phạt của Mỹ hết hạn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Washington vào ngày 22/4. (Nguồn: Reuters) |
Trong một diễn biến liên quan, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề năng lượng Francis Fannon cho hay, Chính phủ Mỹ sẽ giúp Hàn Quốc tìm ra giải pháp thay thế nguồn dầu nhập khẩu dầu từ Iran.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, ông Fannon nói rằng quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt được Mỹ đưa ra sau một năm tham vấn với Hàn Quốc cùng các nước khác. Ông cũng cho biết tất cả các nhà nhập khẩu dầu từ Iran đều được đối xử bình đẳng.
Bên cạnh đó, ông Fannon nói rằng các cuộc thảo luận về vấn đề hỗ trợ Hàn Quốc tìm kiếm nguồn cung dầu thay thế đã diễn ra suốt một năm qua và sẽ được tiếp tục, bởi lẽ mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ dừng ở lĩnh vực năng lượng.
Ông Fannon nhấn mạnh lượng dầu và khí ngưng tụ đang ngày càng gia tăng trên thị trường để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Đối với việc xác định các nguồn thay thế cụ thể, ông nói rằng điều đó sẽ tùy thuộc vào quyết định của các công ty Hàn Quốc.
Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào khí ngưng tụ của Iran để sản xuất các sản phẩm hóa dầu, vốn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này bên cạnh chất bán dẫn.
Hồi tháng 11/2018, Mỹ đã tái áp đặt trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran, nhưng cấp quy chế miễn trừ cho 8 nền kinh tế gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Nhóm này được phép mua hạn chế dầu thô của Iran trong thời hạn sáu tháng.
Ngày 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Washington.
Với quyết định dỡ bỏ lệnh miễn trừ của Washington, bắt đầu từ tháng Năm tới, các quốc gia và vùng lãnh thổ nêu trên sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu họ tiếp tục mua dầu từ Iran.
Ngay sau khi thông tin trên được đưa ra, giá dầu đã tăng hơn 2% lên mức cao nhất trong gần 6 tháng vì những lo ngại về tình hình triển vọng nguồn cung dầu thô toàn cầu.