TIN LIÊN QUAN | |
Thiếu vắng Ấn Độ, RCEP vẫn rất "lợi hại” | |
Đàm phán RCEP kết thúc và bước đi của ASEAN |
Thứ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hideki Makihara cho hay, "Nhật Bản sẽ tiếp tục cố gắng thuyết phục Ấn Độ tham gia”. (Nguồn: ASEAN Post) |
Đầu tháng 11, Ấn Độ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với lý do thỏa thuận này có thể ảnh hưởng đến sinh kế của những công dân dễ bị tổn thương nhất.
Trong khi đó, Trung Quốc nói rằng 15 quốc gia còn lại đã quyết định tiến lên trước với việc ký kết RCEP vào năm tới, đồng thời hoan nghênh Ấn Độ tham gia thỏa thuận bất cứ khi nào sẵn sàng.
Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 29/11, Thứ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hideki Makihara cho biết: “Chúng tôi chưa nghĩ về điều đó” và “Những gì chúng tôi đang nghĩ là đàm phán bao gồm cả Ấn Độ”.
Phát biểu của vị quan chức này diễn ra trước thềm một loạt hoạt động ngoại giao diễn ra trong vài tuần tới giữa New Delhi và Tokyo, trong đó có chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe tới đất nước đông dân thứ hai thế giới.
Trên thực tế, Thủ tướng Abe đã và đang thúc đẩy việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực nhằm cân bằng sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực. Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước tiến hành Đối thoại 2+2 lần đầu tiên trong tuần này, dự kiến thảo luận về thỏa thuận mua hàng và dịch vụ chéo (ACSA) nhằm tạo điều kiện cho hai bên chia sẻ năng lực và các nguồn cung quốc phòng, trong đó có nhiên liệu và đạn dược.
Cả hai nước cũng tham gia vào đàm phán an ninh 4 bên, còn gọi là “Bộ Tứ” gồm cả Mỹ và Australia – một động thái mà Bắc Kinh từng phàn nàn là có thể gây ra Chiến tranh Lạnh mới.
Thứ trưởng Makihara đánh giá việc Ấn Độ - nền dân chủ lớn nhất thế giới góp mặt vào RCEP “có ý nghĩa nếu xét từ quan điểm kinh tế, chính trị và có khả năng là cả an ninh quốc gia”. Do đó, “Nhật Bản sẽ tiếp tục cố gắng thuyết phục Ấn Độ tham gia”.
Theo thiết kế ban đầu, RCEP sẽ bao gồm 16 thành viên gồm 10 nước ASEAN và 6 đối tác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định này nhắm đến mục tiêu thành lập một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 3,6 tỉ người dân và chiếm 30% GDP toàn cầu.
Bloomberg nhận định Bắc Kinh tìm cách đẩy nhanh ký kết RCEP khi mà nước này phải đối mặt với sự tăng trưởng chậm lại do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Một thỏa thuận sẽ tiếp tục hợp nhất các nền kinh tế châu Á với Trung Quốc trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump kêu gọi các quốc gia trong khu vực tránh xa các khoản vay cơ sở hạ tầng và công nghệ viễn thông 5G của Trung Quốc.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 3 diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan ở Bangkok (Thái Lan) ngày 4/11, Thủ tướng Narendra Modi nói: “Hình thức hiện tại của RCEP không phản ánh đầy đủ tinh thần cơ bản và các nguyên tắc hướng dẫn đã được nhất trí trước đó" và "không giúp giải quyết thích đáng các mối lo ngại cũng như các vấn đề đang tồn tại của Ấn Độ”. Thủ tướng Modi cho biết Ấn Độ đã tham gia các cuộc đàm phán RCEP một cách chủ động, xây dựng và thiết thực ngay từ đầu song “Khi tôi thẩm định Hiệp định RCEP với lợi ích của tất cả người dân Ấn Độ, tôi không nhận được câu trả lời tích cực”. |
| Nhân tố Trung Quốc trong quyết định của Ấn Độ về RCEP TGVN. Với việc từ chối tham gia RCEP, Ấn Độ dường như phát đi tín hiệu rằng, bất chấp cái giá phải trả, sự trỗi ... |
| Rút khỏi RCEP, Ấn Độ xem xét thỏa thuận thương mại với Mỹ TGVN. Ngày 5/11, Chính phủ Ấn Độ cho biết đang nghiên cứu một thỏa thuận với Mỹ, một ngày sau khi tuyên bố rút khỏi ... |