Hai con gấu đi lại trên đường phố ở thị trấn Shari, Hokkaido. (Nguồn:: AFP) |
Trong một thời gian dài, những người đi bộ leo núi ở Nhật Bản đã coi chiếc chuông đuổi gấu là vật dụng thiết yếu. Những âm thanh mà nó phát ra có thể khiến những con vật to lớn hoảng sợ và bỏ đi.
Thế nhưng giờ đây, chuông đuổi gấu không còn là món đồ chuyên dụng dành cho những người thích đi dã ngoại nữa. Chính xác hơn là tất cả mọi người đều cần dùng đến nó, trên đường đi chợ, đi chơi hoặc chỉ đi loanh quanh trong thị trấn, theo Economist.
"Số lượng động vật hoang dã, bao gồm gấu, lợn rừng và khỉ đang tăng nhanh, và chúng bắt đầu đi vào những ngôi làng và thị trấn", ông Hiroto Enari đến từ đại học Yamagata, cho biết.
Có rất nhiều loài động vật hoang dã ở Nhật Bản, bao gồm cả gấu đen và gấu nâu. Chưa có số liệu cụ thể về gấu trong tự nhiên, nhưng những trường hợp gặp gấu trên đường đang tăng nhanh kể từ thập niên 2000. Chỉ riêng năm 2018, có gần 13.000 trường hợp người dân báo cáo về việc bất ngờ gặp gấu.
Sự hồi sinh này đến từ những thay đổi về nhân khẩu học. Dân số Nhật Bản đang sụt giảm, đặc biệt ở khu vực nông thôn do ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa.
Ông Enari giải thích rằng gấu sẽ mạnh dạn đi tới những ngôi làng vào ban ngày nếu không có nhiều người xuất hiện. Điều này phản ánh tại sao nơi có nhiều trường hợp nhìn thấy gấu nhất là Akita, tỉnh phía Tây Bắc đảo Honshu, nơi dân số sụt giảm với tốc độ thuộc loại cao nhất cả nước.
Một lý do khác khiến cho động vật ngày càng đông hơn là do việc săn bắn không còn phổ biến như trước. Dữ liệu của chính phủ cho thấy độ tuổi trung bình của những thợ săn hiện nay là 68. Và với những khu rừng rậm rạp, núi non hiểm trở, nhiều loài động vật có điều kiện thuận lợi để sinh sôi.
Ngành nông nghiệp và lâm nghiệp cũng không còn phổ biến như trước, khiến nhiều diện tích đất canh tác bị bỏ hoang, và điều đó cũng góp phần mở rộng môi trường sống của các loài động vật.
Những con gấu trở nên đặc biệt táo bạo khi lẻn vào vườn để ăn trái cây khi khan hiếm con mồi.
Trong khi một số người chào đón sự hồi sinh của loài gấu, điều này lại có thể dẫn tới những hậu quả thảm khốc. Hồi tháng 6/2016, 3 nam giới và 1 phụ nữ ở tỉnh Akita đã bị gấu giết hại.
Ngoài ra, đối với loài hươu, dù không tấn công con người nhưng việc chúng sinh sôi quá đà và ăn nhiều cỏ cây cũng có thể khiến tình trạng xói lở diễn ra.
Hồi năm 2013, chính phủ Nhật Bản đã phải lên kế hoạch giảm 1 nửa số lượng hươu, lợn rừng và khỉ ở nước này vào năm 2023. Ông Enari nhận định Nhật Bản đang phải "vật lộn để thích nghi với sự thay đổi về cân bằng quyền lực giữa con người và động vật hoang dã".