📞

Nhật Bản: Mờ mịt con đường tái khởi động nhà máy điện hạt nhân

20:22 | 01/09/2015
Theo một số chuyên gia, triển vọng tái phát triển năng lượng hạt nhân của Nhật Bản khá ảm đạm, dù nước này vừa khởi động trở lại lò phản ứng hạt nhân đầu tiên.
Lò phản ứng nhà máy Sendai là lò đầu tiên được Ủy ban Điều tiết hạt nhân Nhật Bản công nhận đạt các tiêu chuẩn an toàn mới. (Nguồn: Reuters/Kyodo)

Số lượng lò phản ứng hạt nhân có khả năng tái khởi động trong những năm tới của Nhật Bản giảm một nửa do gặp phải một số vấn đề pháp lý và lo ngại liên quan tới các tiêu chuẩn an toàn. Cụ thể, trong tổng số 42 lò phản ứng hạt nhân hiện có, Nhật Bản chỉ có thể tái khởi động 7 lò phản ứng trong những năm tới, thay vì 14 lò phản ứng như dự đoán sau khảo sát thực địa năm ngoái. Cũng theo Cơ quan pháp quy Hạt nhân Tokyo và nhận định của chuyên gia, 9 lò phản ứng hạt nhân của nước này đã hỏng hoàn toàn, không có khả năng phục hồi. Khả năng phục hồi và đi vào hoạt động của 26 lò phản ứng còn lại cũng không chắc chắn.

Ông Mycle Schneider, một nhà tư vấn năng lượng tại Paris cho biết, hơn 4 năm sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Chính phủ cũng như Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (NRA) đã thất bại trong việc đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư. Do vậy, triển vọng cho việc tái khởi động các lò phản ứng là khá mờ mịt.

Ngoài ra, người dân địa phương quanh các lò phản ứng hạt nhân phản đối kịch liệt việc tái khởi động 4 lò phản ứng, mặc dù việc tái khởi động hai trong số 4 lò phản ứng này đã được sự chấp thuận của NRA.

Sau khi Nhật Bản khởi động trở lại lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại nhà máy điện hạt nhân Sendai ở tỉnh Kagoshima, những người phản đối cho rằng, đơn vị điều hành nhà máy hạt nhân Sendai - Công ty Kyushu Electric và chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra được phương án di tản hàng chục nghìn cư dân tại đây nếu lại xảy ra sự cố giống như Fukushima.

Hằng Phạm (theo Channel Newsasia)