Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân Akie đến sân bay ở Biarritz, Pháp, trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G-7. (Nguồn: AP) |
Sự nhất trí trên đạt được vài giờ sau khi Bình Nhưỡng tiếp tục phóng thử vũ khí mà Triều Tiên gọi là hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng “cực lớn”.
Theo một quan chức Chính phủ Nhật Bản, tại hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) ở thành phố duyên hải Biarritz (Pháp), Thủ tướng Abe và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhất trí sẽ "phối hợp chặt chẽ" nhằm giải quyết một số vấn đề, trong đó có phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Trong các cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ông Abe và 2 người đồng cấp nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế nên thực thi đầy đủ các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Các cuộc hội đàm trên diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên vừa tiến hành vụ phóng thứ 7 trong vòng một tháng. Triều Tiên thông báo, dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nước này đã thử nghiệm thành công một hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng “cực lớn” trong vụ phóng ngày 24/8.
KCNA khẳng định, vụ thử nghiệm và vụ phóng thử “đã chứng minh mọi đặc điểm kỹ thuật và chiến thuật của hệ thống đạt yêu cầu đề ra". Trước đó, hãng thông tấn này khẳng định Bình Nhưỡng "không còn quan tâm" tới những biện pháp nới lỏng trừng phạt từ Mỹ.
Theo KCNA, Triều Tiên sẽ không từ bỏ "an ninh chiến lược" để đổi lấy những biện pháp nới lỏng trừng phạt. KCNA nhấn mạnh phía Mỹ nên hiểu rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ mang vấn đề an ninh chiến lược quốc gia để "mặc cả". Với Triều Tiên, các biện pháp trừng phạt, gia tăng sức ép và nới lỏng từng phạt đều vô tác dụng và không thể khiến họ thay đổi.
Các động thái mới của Triều Tiên làm dấy lên lo ngại về nguy cơ căng thẳng và đối đầu mới trong khu vực.