📞

Nhật Bản quyết tâm tăng cường cơ bản năng lực phòng thủ

Minh Vương 08:27 | 15/09/2022
Ông Hamada Yasukazu đã có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin sau khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại Lầu Năm góc ngày 14/9. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Trong cuộc gặp ngày 14/9 tại Washington D.C. (Mỹ), hai bên đã thảo luận tăng cường phối hợp chiến lược an ninh giữa hai đồng minh thân cận nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực.

Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thay ông Kishi Nobuo đầu tháng 8, ông Hamada khẳng định với người đứng đầu Lầu Năm Góc về quyết tâm “tăng cường cơ bản năng lực phòng thủ” của Tokyo. Ông cho biết nước này đang cân nhắc mọi lựa chọn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm năng lực tấn công căn cứ đối phương, hay “năng lực phản kích” bằng tên lửa tầm xa.

Về phần mình, ông Austin chỉ trích các hành động “khiêu khích” và “gây bất ổn” của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan và vùng biển quanh Nhật Bản, khẳng định cam kết “không lay chuyển” của Mỹ trong bảo vệ Nhật Bản. Ông Hamada cũng cho biết người đồng cấp Mỹ đã ủng hộ “mạnh mẽ” kế hoạch củng cố khả năng quốc phòng của Nhật Bản thông qua cập nhật các tài liệu an ninh quốc gia, và tăng ngân sách quốc phòng.

Hai bên cũng nhất trí cùng nghiên cứu công nghệ chống vũ khí siêu thanh.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh cả Mỹ và Nhật Bản cùng chịu áp lực gia tăng về việc củng cố năng lực răn đe của hai nước đồng minh nhằm phản ứng với “bất kỳ tình huống nào trong khu vực”, như lời ông Hamada.

Dự kiến, Nhật Bản sẽ cập nhật Chiến lược An ninh quốc gia vào cuối năm nay, viện dẫn môi trường an ninh ngày càng thách thức. Đây sẽ là lần điều chỉnh đầu tiên đối với văn bản định hướng an ninh và ngoại giao được Tokyo ban hành hồi 2013.

Trong khi đó, tháng 3/2022, chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đã công bố bản phác thảo Chiến lược Quốc phòng riêng, trong đó coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất”.

(theo Kyodo)