Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký GSOMIA năm 2016 dẫn đến các cuộc biểu tình của người dân Hàn Quốc. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu với các phóng viên, ông Suga nói, thỏa thuận với Hàn Quốc được gia hạn tự động trên cơ sở niềm tin rằng, nó sẽ giúp tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước và đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực.
Theo ông Suga, quan hệ với Hàn Quốc đang cực kỳ căng thẳng. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản tin tưởng rằng, điều quan trọng là Tokyo và Seoul làm việc với nhau ở bất cứ lĩnh vực nào mà hai bên cần.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya cho biết, GSOMIA là một thỏa thuận hữu ích đối với Nhật Bản và Hàn Quốc để phân tích tình hình an ninh và có biện pháp phản ứng.
Theo Bộ trưởng Iwaya, Tokyo đã chia sẻ thông tin tình báo với Seoul về các vụ phóng thử vật thể bay của Triều Tiên kể từ tháng 5/2019 và thỏa thuận này sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký GSOMIA năm 2016. Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo này được gia hạn tự động hằng năm nhưng bất cứ nước nào cũng có thể rút khỏi thỏa thuận bằng cách thông báo trước ngày 24/8.
Trước đó, theo dự kiến, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc sẽ nhóm họp trong ngày hôm nay để thảo luận về việc có nên gia hạn thỏa thuận này với Nhật Bản hay không, 2 ngày trước khi thỏa thuận này hết hạn.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo nêu rõ: "Chính phủ sẽ xác định lập trường sau khi cân nhắc kỹ lưỡng giá trị chiến lược và các yếu tố khác của thỏa thuận này".
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trước đó cho biết, bộ này "không nhận thấy những vấn đề to lớn" trong việc gia hạn hiệp ước vốn nhằm trao đổi thông tin quân sự bí mật để đối phó tốt hơn với những mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên cho đến giữa tháng 7, bất chấp quan hệ song phương căng thẳng sau khi Nhật Bản áp đặt các hạn chế xuất khẩu với Hàn Quốc.