📞

Nhật Bản thâm hụt thương mại năm thứ hai liên tiếp

QT 15:12 | 23/01/2020
TGVN. Thâm hụt thương mại hàng hóa của Nhật năm 2019 ở mức 1,64 nghìn tỷ Yen (khoảng 14,95 tỷ USD) ghi dấu năm thâm hụt thứ hai liên tiếp của nước này nhất là trong bối cảnh nhu cầu ngày càng sụt giảm tại thị trường Trung Quốc.
Nhật Bản tiếp tục thâm hụt thương mại năm thứ hai liên tiếp. (Nguồn: Kyodo)

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu của nước này năm 2019 chỉ đạt 76,93 nghìn tỷ Yen, giảm 5,6% so với năm 2018. Trong khi đó, nhập khẩu đã ở mức 78,57 nghìn tỷ Yen trong năm ngoái, giảm 5,0%.

Xét theo khu vực, Nhật Bản đã thâm hụt thương 3,76 nghìn tỷ Yen với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, trên toàn châu Á, Nhật Bản thặng dư 3,93 nghìn tỷ Yen, nhưng con số này đã giảm năm thứ hai liên tiếp.

Năm 2019, Nhật Bản thặng dư thương mại 6,63 nghìn tỷ Yen so với Mỹ, nhờ nhu cầu đối với thiết bị chế tạo chip và dược phẩm tăng mạnh. Với châu Âu, Nhật Bản ghi nhận mức thâm hụt kỷ lục 756,37 tỷ Yen do xuất khẩu tàu và dược phẩm giảm sút.

Theo báo cáo mới đây của Văn phòng Nội các Nhật Bản, lượng đơn hàng chế tạo lõi trong khu vực tư nhân của Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng cao kỷ lục trong tháng 11/2019, chủ yếu nhờ số đặt hàng mua các toa tàu hỏa đắt tiền tăng mạnh.

Số đơn hàng chế tạo lõi, không bao gồm đơn hàng tàu biển và các đồ điện tiện ích, đã tăng 18% so với tháng trước đó, đạt 942,7 tỷ Yen, ghi dấu mức tăng mạnh nhất kể từ khi báo cáo này được thực hiện vào tháng 4/2005.

Mặc dù đây là tháng tăng đầu tiên trong 5 tháng qua, Văn phòng Nội các Nhật Bản vẫn giữ nguyên đánh giá rằng, lượng đơn hàng vốn được coi là một chỉ dấu hàng đầu về chi tiêu cho tư liệu sản xuất, đang "bị đình trệ".

Kết quả khảo sát hàng quý của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy, các nhà chế tạo Nhật Bản vẫn giữ tâm trạng bi quan trong tháng 1/2020, khi xung đột thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu chậm lại, tạo sức ép lên nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu như Nhật Bản.

(theo Kyodo)