Thị thực "công nhân lành nghề được chỉ định" được triển khai từ năm 2019, cấp quyền lưu trú cho lao động nước ngoài làm việc trong 12 lĩnh vực, trong đó có 9 lĩnh vực có thời hạn cư trú tối đa là 5 năm. Những lao động trong lĩnh vực xây dựng, đóng tàu và chăm sóc điều dưỡng có thể được cấp thị thực có thể gia hạn vô thời hạn.
Những đề xuất thay đổi, có thể nhận được sự chấp thuận của Nội các vào tháng 6 tới và có hiệu lực từ năm 2024, sẽ cho phép lao động nước ngoài trong tất cả 12 lĩnh vực tiếp cận thị thực không giới hạn về số lần gia hạn, cũng như cơ hội trở thành thường trú nhân (PR) tại Nhật Bản.
Hiện các công ty Nhật Bản đang thuê lao động nước ngoài theo hai dạng thị thực. Một là thị thực cho các chuyên gia có tay nghề cao như kỹ sư, những người có chuyên môn hoặc kỹ năng kỹ thuật cao. Và loại còn còn lại bao gồm lao động làm các công việc như sản xuất, nông nghiệp và xây dựng. Nhóm này gồm các thực tập sinh kỹ thuật và những người được thuê theo thị thực lao động có tay nghề cụ thể.
Nhật Bản có kế hoạch loại bỏ chương trình thực tập sinh kỹ năng và mở rộng lộ trình thị thực kỹ năng cụ thể. Nhiều cựu thực tập sinh nộp đơn xin thị thực kỹ năng cụ thể và sự thay đổi này sẽ cho phép người lao động phát triển kỹ năng của họ khi ở lại Nhật Bản trong thời gian dài hơn.
Thứ hai vừa rồi, các quan chức của Cục Nhập cư nước này đã gặp các thành viên của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, truyền đạt rằng nhiều cơ quan chính phủ ủng hộ việc mở rộng số lượng các lĩnh vực đủ điều kiện để được cấp thị thực lao động có tay nghề dài hạn.
Những sửa đổi với chương trình thị thực này dự kiến sẽ được ban hành vào khoảng tháng 5/2024, trùng với thời điểm những người nhận thị thực đầu tiên đạt được thời hạn cư trú tối đa của họ. Nếu không có những thay đổi, nhiều công nhân sẽ buộc phải trở về nước của họ.
Tính đến ngày 28/2/2023, khoảng 146.000 lao động nước ngoài đã được cấp thị thực kỹ năng cụ thể, chiếm khoảng 8% trong tổng số 1,82 triệu lao động nước ngoài tại Nhật Bản, theo thống kê tính đến tháng 10/2022. Lao động Việt Nam chiếm khoảng 60% trong số những người được cấp thị thực kỹ năng cụ thể, trong khi lao động từ Indonesia và người Philippines tại Nhật Bản chỉ chiếm hơn 10%/nước.
Thị thực công nhân lành nghề được chỉ định của Nhật Bản có hai loại. Những lao động nước ngoài được cấp thị thực số 1 có thể ở lại tới 5 năm sau khi hoàn thành các yêu cầu, chẳng hạn như vượt qua bài kiểm tra hoặc hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ thuật.
Những lao động có thị thực số 2 có thể gia hạn tình trạng cư trú của họ vô thời hạn. Họ được phép mang theo con cái và thành viên phụ thuộc của họ đến Nhật Bản. Những người lao động đó ở lại Nhật Bản trên 10 năm và có đủ tài sản để duy trì sự ổn định về tài chính có thể nộp đơn xin thường trú.
Thị thực số 2 chỉ áp dụng cho ngành xây dựng và đóng tàu. Nhật Bản cung cấp quyền cư trú dài hạn cho nhân viên chăm sóc điều dưỡng theo một trình độ chuyên môn riêng.
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản ước tính, với tình trạng thiếu lao động của Nhật Bản như hiện nay, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chính phủ vào năm 2040, số lượng lao động nước ngoài sẽ phải tăng gần bốn lần lên 6,74 triệu người. Tỷ lệ sinh giảm ở một số quốc gia bao gồm cả Nhật Bản cho thấy sự cạnh tranh đối với lao động nước ngoài sẽ leo thang. Bên cạnh đó, niềm tin của lao động nước ngoài đối với Nhật Bản đang giảm dần do tiền lương tăng chậm.
| Malaysia cấp hạn ngạch tuyển dụng hơn 500.000 lao động nước ngoài Kinh tế Malaysia đang phục hồi đồng nghĩa với nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài tăng cao. |
| Nhật Bản thu hút nhân tài nước ngoài Chính phủ Nhật Bản đang xem xét cho phép sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu thế giới ở lại Nhật Bản ... |