Tuy nhiên, tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật DNVVN mới đây, vẫn còn khá nhiều băn khoăn từ chính các đối tượng được hưởng lợi và các chuyên gia am tường về luật.
Còn nhiều băn khoăn về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đưa ra ý kiến, ngay từ việc xác định tiêu chí DNVVN thế nào cho hợp lý, doanh thu bao nhiêu mới là DNVVN cho đến nay vẫn gặp nhiều tranh cãi. Đưa ra dẫn chứng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, hiện nhiều DN dệt may vốn dưới 10 tỷ đồng nhưng tới 4.000 lao động thì không thể gọi là doanh nghiệp lớn, còn ở các ngành hàng khác có DN vốn tới 100 tỷ nhưng chỉ có 1.000 lao động thì không thể gọi là doanh nghiệp nhỏ.
Ông Giang còn băn khoăn về quy định nguồn lực, tín dụng có hỗ trợ của Nhà nước như thế nào. Bởi với Luật Ngân sách và khả năng tài chính liệu vấn đề này có quá viển vông. Ngoài ra, nguồn vốn lấy từ ngân sách, tổ chức, cá nhân trong và ngoài, cũng là thiếu thực tiễn, bởi “nếu tôi có vốn tôi góp kinh doanh sao phải đem đi hỗ trợ làm gì?” ông Giang phân tích.
Ở khía cạnh khác, ông Phan Đăng Tuất, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN Bộ Công Thương nêu quan điểm lo ngại về từ “hỗ trợ”. Hiện nay, từ “hỗ trợ” là điều tối kỵ đối với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng như các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết. Bởi vậy, nên chăng sửa thành Luật bảo vệ, bởi DNVVN không cần hỗ trợ mà cần được bảo vệ.
Bên cạnh đó, ông Tuất cũng cho rằng, cả chủ thể hỗ trợ và khách thể hỗ trợ đều đang là “một món lẩu”. Dự luật đang quy định cả Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND, HĐND các tỉnh, VCCI… đều phải có nhiệm vụ hỗ trợ các DNVVN. Dự luật cũng nêu tới 7 nội dung phải hỗ trợ, từ đất đai, thuế, tín dụng, công nghệ… Như vậy, chiếu theo Luật thì không thể “đè” được lên các luật về thuế, đất đai, tín dụng…
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng Luật DNNVV cần hướng tới giải quyết tốt hơn những khó khăn của DNNVV nhưng không dàn trải mà phải có chọn lọc, có hiệu quả.