📞

Nhiều cơ hội ở Cuba

09:11 | 26/09/2015
Nối tiếp Lào, Campuchia và Myanamar, cuba có thể trở thành điểm đến mới của Nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc khu kinh tế Mariel có các điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Một trong những cải cách mang tính đột phá gần đây nhất của Chính phủ Cuba là thông qua Luật đầu tư nước ngoài (tháng 4/2014) nhằm khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư trên toàn cầu. Với cơ cấu ngành hàng có thể bổ sung tốt cho nhau, quan hệ thương mại Việt Nam - Cuba còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Cuba trên các lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng, năng lượng, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm...

Nhộn nhịp hợp tác

So với bề dày lịch sử quan hệ Việt Nam - Cuba, dù Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại châu Á thì giá trị của hợp tác kinh tế song phương chỉ là những con số quá nhỏ bé so với những gì mà hai nước đã dày công tạo dựng. Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Cuba năm 2014 mặc dù tăng hơn 40% so với năm 2013, nhưng về con số tuyệt đối mới dừng lại ở 207,5 triệu USD.

Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Cuba chủ yếu là lương thực, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, dệt may... Theo thống kê, trong năm 2014, gạo chiếm 66% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Cuba. Thời gian tới, mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam vào thị trường này vẫn là gạo, bởi Cuba có nhu cầu lớn, cần nhập khẩu khoảng 350 nghìn tấn gạo/năm.

Cuba còn có thế mạnh về công nghệ sinh học, nổi tiếng với những thành quả nghiên cứu y học chuyên sâu cũng như bề dày kinh nghiệm và thành công trong ứng dụng công nghệ gien, sản xuất vắc xin thế hệ mới, thuốc sinh học chống ung thư… Bởi vậy, sản phẩm sinh học, thuốc chữa bệnh từ Cuba và các loại thực phẩm chức năng là nguồn hàng tin cậy mà Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu.

Việt Nam và Cuba đã có bề dày kinh nghiệm trong hợp tác nông nghiệp, hai dự án lớn về sản xuất lúa gạo và quy hoạch, nuôi trồng thủy sản mà Việt Nam hỗ trợ Cuba đang mang lại những kết quả tích cực. Trong khi đó, lương thực, thực phẩm lại là lĩnh vực mà Cuba rất chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài bởi những năm vừa qua, nước này vẫn phải dành hơn 2 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này. Cuba cũng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này không chỉ để phục vụ nhu cầu nội địa, mà còn xuất khẩu sang các nước khác.

Hiện tại, hai nước cùng quan tâm phát triển hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại Cuba với sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); tích cực thúc đẩy khả năng liên kết giữa Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Công ty Viễn thông Nhà nước Cuba ETECSA; triển khai hợp tác một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, da giày, đồ gỗ và đồ nhựa...

Sự bảo hộ tuyệt đối

Tại Hội thảo "Cơ hội thương mại và đầu tư tại Cuba" tại TP. Hồ Chí Minh hồi tháng Tư, Cuba đưa ra thông tin mời gọi và khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, đầu tư vào đảo quốc tươi đẹp này.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Cuba Orlando Hernandez Guillen, Cuba xác định đầu tư nước ngoài là một thành tố quan trọng trong sự phát triển ở một số lĩnh vực chủ chốt như khai khoáng, khai thác dầu khí, công nghệ sinh học, năng lượng sinh khối. Từ năm 2010 đến nay, tăng trưởng kinh tế của Cuba có chiều hướng tăng nhưng rất thấp, chỉ dưới 2%. Năm 2015, với nhiều cải cách và cố gắng lớn, dự kiến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Cuba sẽ đạt khoảng 4%. "Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn huy động tất cả các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Cuba cao hơn", ông Guillen nói.

Trên thực tế, các chính sách kinh tế hiện đang được áp dụng ở Cuba chấp thuận mọi loại hình kinh doanh theo phương thức đầu tư nước ngoài có đóng góp vào mục tiêu phát triển quốc gia, hoặc có tác động kinh tế xã hội mạnh mẽ. Cuba còn thành lập đặc khu kinh tế Mariel với những điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nhận được sự đảm bảo và bảo hộ tuyệt đối của Nhà nước đối với các khoản lợi nhuận mà họ có được tại Cuba.

Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến khả năng làm ăn, đầu tư tại đất nước này. Một số doanh nghiệp đang thúc đẩy các dự án đầu tư về xây dựng hạ tầng du lịch, vật liệu xây dựng, sản xuất công nghiệp… trong đó, có một số dự án đã được Chính phủ Cuba đánh giá cao như: xây dựng chuỗi khách sạn và sân golf 18 lỗ của Tập đoàn HUD; thăm dò dầu khí của PVN; sản xuất hàng gia dụng, máy nông nghiệp…

Thanh Thủy