Ngày 18/10, người đứng đầu Cơ quan An ninh ngoại giao thuộc Bộ Nội vụ Libya Wissam Jama thông báo: "Đại sứ quán các nước Hà Lan, Hungary và Hàn Quốc đã bắt đầu chính thức hoạt động trở lại tại Tripoli sau khi đóng cửa hơn 3 năm.
Các nhân viên ngoại giao đã trở lại làm việc tại Đại sứ quán nước họ ở Tripoli sau khi an ninh, ổn định được đảm bảo tại thủ đô. Lực lượng an ninh ngoại giao đã có những nỗ lực lớn nhằm đảm bảo an ninh cho các đại sứ quán tại Tripoli".
Thủ đô Tripoli. (Nguồn: TripAdvisor) |
Hầu hết đại sứ quán nước ngoài cũng như các phái bộ ngoại giao tại Libya, bao gồm cả phái bộ của Liên hợp quốc, đã rời khỏi Tripoli và chuyển sang nước láng giềng Tunisia sau khi nổ ra tình trạng giao tranh khốc liệt vào năm 2014 giữa các nhóm vũ trang đối lập, gây ra tình trạng chia rẽ chính trị hiện nay tại Libya.
Libya đã chìm vào bất ổn kể từ sau làn sóng nổi dậy năm 2011 lật đổ cố lãnh đạo Moammar Gadhafi. Đất nước bị chia cắt thành hai miền Đông - Tây với các cơ quan lập pháp và chính phủ tồn tại song song, có quân đội riêng và hoạt động theo các khuôn khổ chính trị đối lập.
Cuối tháng 7 vừa qua, nhờ những nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ Fayez Serraj, đại diện cho chính quyền miền Tây, đã gặp Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ủng hộ chính phủ ở miền Đông, tại Paris (Pháp).
Hai bên đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn đồng thời nhất trí cùng ngồi lại làm việc về các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội, cũng như tìm giải pháp bảo vệ quốc gia này khỏi khủng bố và nạn buôn lậu.