Ông Kim Lập Quần – Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á - AIIB. (Nguồn: AFP) |
Theo trang web của AIIB, số lượng thành viên của AIIB có thể sẽ ngang bằng hoặc vượt qua số thành viên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản đứng đầu. Hiện nay, ADB có 67 thành viên, trong đó có 19 thành viên nằm bên ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phát biểu bên lề tại hội nghị cấp cao ở Singapore hôm 19/9, ông Kim Lập Quần cho biết, hiện AIIB đã có 57 thành viên, nếu hơn 20 nước trong “danh sách chờ” được chấp nhận, số lượng thành viên của AIIB có thể lên đến hơn 70.
Theo ông Kim, AIIB dự kiến có thể sẽ cấp vốn cho những dự án đầu tiên sau 6 tháng nữa. Ngân hàng này sẽ đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng then chốt như đường sắt và điện, nhưng để ngỏ khả năng mở rộng các lĩnh vực liên quan như môi trường.
AIIB vốn được xem là đối trọng của Ngân hàng Thế giới (WB) và ADB. Đó cũng được cho là lý do khiến hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới là Mỹ và Nhật Bản đều từ chối tham gia ngân hàng này. Theo ông Kim, việc AIIB ra đời không thách thức tầm ảnh hưởng của ADB và WB. AIIB vẫn để ngỏ cánh cửa cho cả Mỹ và Nhật Bản.
Sự ra đời của AIIB dự kiến vào cuối năm nay hiện thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Đây được coi là chiến thắng tuyên truyền của Trung Quốc khi mà những đồng minh thân cận của Mỹ là Anh và Đức cũng đều tham gia. Tuy chưa bắt đầu cấp vốn vay, nhưng AIIB phải trải qua nhiều cuộc đàm phán trong bối cảnh kinh tế và chính trị phức tạp.
Khi được hỏi, liệu AIIB có “thiên vị” các công ty Trung Quốc hoặc gây khó dễ cho các công ty hay cá nhân đến từ Mỹ và Nhật Bản hay không, ông Kim khẳng định điều này hoàn toàn không có cơ sở. Dù Trung Quốc là cổ đông lớn nhất với 30% cổ phần, nhưng ông Kim cho biết: “Trung Quốc là cổ đông lớn nhất, nhưng không có nghĩa đây là ngân hàng của Trung Quốc. Ngân hàng này không hoàn toàn do Trung Quốc sở hữu, kiểm soát và vận hành”.
Trang Ngân